KINH TẾ

Ông lớn bán lẻ liên tục "thay màu"

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Metro Cash & Carry, Auchan, Shop & Go... và mới đây nhất là Big C đã rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo dự báo, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên ngành bán lẻ và những thương hiệu biến mất là khó tránh khỏi.

Ông lớn cũng rút lui

Gần nhất, sau nhiều năm định hình với người tiêu dùng Việt, các siêu thị Big C chính thức được đổi tên thành Tops Market. Trước đó, để thâu tóm được chuỗi bán lẻ Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Central Group đã trả giá tới hơn 1 tỷ USD. 

Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, chủ sở hữu hệ thống Big C Việt Nam cho biết, đây là chiến lược tái định vị thương hiệu của doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 1/3, các siêu thị Big C ở TPHCM chính thức được đổi tên thành Tops Market. Và dự kiến 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) cũng sẽ hoàn tất việc chuyển đổi, nâng cấp thành Tops Market vào quý 3 năm nay.

Thông tin bổ sung, từ cuối năm 2020 và đầu tháng 1/2021, các siêu thị Big C nằm trong trung tâm thương mại ở Nha Trang (Khánh Hòa), Dĩ An (Bình Dương), Cần Thơ, Hạ Long (Quảng Ninh) và Vĩnh Phúc đã được đổi tên thành đại siêu thị GO!.

Chia sẻ về việc chuyển đổi thương hiệu Big C thành Tops Market và GO!, đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, mục đích nhằm tái định vị thương hiệu với một diện mạo hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam, đi kèm với các cải tiến về không gian mua sắm.

Trước đó, chuỗi 19 trung tâm Metro Cash & Carry trên cả nước của Tập đoàn bán lẻ Metro AG (Đức) có mặt ở Việt Nam trong 14 năm đã phải vào tay tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan với số tiền 655 triệu euro. Sau khoảng 1 năm về tay ông chủ người Thái, đầu năm 2017, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam đã chính thức đổi tên thành MM Mega Market. Thật may, sau khi đổi chủ, MM Mega Market vươn lên đứng vị trí thứ 3 trong top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2020 (theo công bố của Vietnam Report).

Tương tự như Metro Cash & Carry, giữa năm 2019, Tập đoàn Auchan đã chuyển giao 15 cửa hàng với hơn 200 nhân viên tại Việt Nam cho nhà bán lẻ Saigon Co.op. Nguyên nhân chính là do thua lỗ liên tục tại thị trường Việt. Hệ thống siêu thị này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply và sau đó là Auchan nhưng vẫn không thay đổi được kết quả hoạt động thua lỗ.

Thương hiệu bán lẻ khác đến từ Singapore là chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop & Go cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 USD cho Vingroup. Đi vào hoạt động từ năm 2006, từng có thời điểm sở hữu mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 100 cửa hàng, vượt qua những tên tuổi như Circle K hay Family Mart, nhưng cuối cùng Shop & Go vẫn phải chuyển nhượng bởi sức ép cạnh tranh và tình hình kinh doanh ngày càng đi xuống. Năm 2016, hệ thống này lỗ gần 40 tỷ đồng. Tính từ năm 2016 cho đến khi sang nhượng chuỗi 87 cửa hàng còn lại của Shop & Go cho Vingroup (4/2019), bình quân mỗi tháng Shop & Go lỗ hàng trăm nghìn USD.

Những ngày gần đây, người tiêu dùng không khỏi bất ngờ và xôn xao khi các siêu thị Big C đổi tên và diện mạo mới.

Những ngày gần đây, người tiêu dùng không khỏi bất ngờ và xôn xao khi các siêu thị Big C đổi tên và diện mạo mới. 

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Năm 2014, với sự xuất hiện nhiều thương hiệu như Vincom, Aeon Mall, Crescent Mall, Takashimaya... có quy mô lớn, hiện đại hơn, thị trường bán lẻ càng thêm cạnh tranh khốc liệt. Trước sức ép cạnh tranh, từ một thương hiệu bán lẻ với các trung tâm mua sắm cao cấp, Parkson liên tục đi xuống, liên tiếp đóng cửa và phải thu hẹp các điểm bán hàng. Parkson, thương hiệu bán lẻ với các trung tâm mua sắm cao cấp đến từ Malaysia, từng thành công rực rỡ và trở thành hiện tượng của thị trường bán lẻ thời trang ở Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua, người tiêu dùng đã chứng kiến Parkson đóng cửa toàn bộ các trung tâm tại Hải Phòng, Hà Nội và TPHCM.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ sẽ khiến cho cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, khốc liệt. Sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới bước vào tìm kiếm lợi nhuận và lẽ dĩ nhiên, sẽ có không ít gương mặt phải đi đến quyết định rút lui.

Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Việt Nam vẫn được đánh giá thị trường có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á hiện nay. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tại Việt Nam, tỷ lệ này chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...

Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 luôn có mức tăng trưởng hai con số. Từ năm 2019 trở về trước, thị trường tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Đáng chú ý, năm 2020 bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng thị trường bán lẻ vẫn đạt doanh số kỷ lục hơn 172 tỷ USD, tăng thêm hơn 11 tỷ UDS so với năm 2019.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm, thị trường phân phối Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Trong 4 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, ước đạt 11,2%/năm. Việt Nam vừa ký kết một loạt các FTA, vì vậy, làn sóng đầu tư vào bán lẻ sẽ tăng cao, hàng hóa của các nước vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi ngày càng nhiều.

Hiện một nửa đại siêu thị trong nước đang thuộc về DN nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan… Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm lợi thế ở hệ thống siêu thị tầm trung và siêu thị mini. Phân khúc bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nếu biết xây dựng thương hiệu theo chiều sâu, tăng cường thu thập dữ liệu khách hàng, mở rộng bán hàng đa kênh, đưa công nghệ hiện đại vào chiếm lĩnh thị phần và thu hút khách. Và tất yếu, cùng với sự phát triển hội nhập, sẽ còn nhiều thương hiệu bị cạnh tranh, đẩy bật khỏi thị trường, nhường phân khúc cho những thương hiệu năng động và hiện đại hơn.

Tuyết Vân