Trong 100g lá xương sông có 82,5g nước, 2g protein, 1,3g đường, 2,9g chất xơ, canxi, sắt, photpho, vitamin B1, B2, Pp, C. Lá chứa 0,24% tinh dầu với thành phần chính là limonen, p-cymene và methylthymol. Nhân dân ta hay dùng lá xương sông cuốn thịt làm chả hay nấu canh cùng rau ngót, cá hoặc thịt, đây là món ăn bổ dưỡng, phù hợp với trẻ bị ốm, sốt. Đối với các bệnh đường hô hấp như cảm cúm, sổ mũi, ho hen, viêm họng, đau họng, tê thấp... người ta sắc lá xương sông cùng hành hoa và hương phụ để giải cảm. Lá xương sông giã nhuyễn cùng lá khế và chua me đất, hòa nước, lọc lấy nước uống chữa trẻ em sốt cao, co giật, thở gấp. Người trúng phong hàn dùng lá xương sông cùng lá xương bồ giã nhuyễn, hòa nước nóng, lọc lấy nước uống hoặc sắc uống. Người viêm họng, ho đờm, nôn trớ lấy lá xương sông sắc cùng hoa hồng bạch và hoa đu đủ đực, hòa đường phèn cho uống.
Chữa chứng phong thấp nhức mỏi lấy thịt lươn tẩm gia vị cuốn lá xương sông, chiên hoặc nướng ăn tuần vài lần. Phụ nữ đến kỳ đau bụng, có khi ra bầm đen, hòn cục, dùng 100g hoặc hơn lá xương sông xay vắt nước cốt uống, hoặc cuốn thịt gà làm chả ăn. Khi bị đau tức hông sườn, đau nhói, đau cố định một chỗ do huyết ứ, dùng lá xương sông cuốn thịt heo băm, hoặc thịt gà ta, cho thêm gia vị nướng hoặc chiên ăn. Bị nôn ói, bụng đầy do thương thực dùng lá xương sông, cá bống, hoặc cá kèo, gừng, tiêu gia vị kho, om ăn. Nếu ho khan, ho tức ngực sườn, ho khạc ra huyết, dùng lá xương sông, phổi heo, gia vị vừa đủ xào ăn, hoặc giã vắt nước cốt uống.
Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)