Khoa học & Công nghệ

Ô nhiễm không khí tiếp tục kéo dài ở miền Bắc

  • Tác giả : Hà Bình
Tin liên quan
(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, trời mù mịt nhiều sương ở miền Bắc xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, và vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Liên tục ở ngưỡng xấu

Theo số liệu từ các ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí như PamAir, AirVisual, hệ thống quan trắc của UBND TP Hà Nội, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, miền Bắc trải qua nhiều ngày chất lượng không khí lên ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu- có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Đợt ô nhiễm không khí hiện tại bắt đầu từ ngày 11/2 khi các hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAMAir và Đại sứ quán Mỹ cũng như hệ thống quan trắc của thành phố Hà Nội. Ô nhiễm ở ngưỡng đỏ duy trì liên tục suốt cả ngày.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày qua, ở các tỉnh miền Bắc nước ta có xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, nguyên nhân là do các khối không khí lạnh khá mỏng ở tầng thấp khí quyển chi phối khiến cho nhiệt độ ở sát bề mặt thường có xu hướng lạnh hơn ở các lớp khí quyển bên trên và tạo ra các lớp nghịch nhiệt. Hiện tượng này thường xảy ra trong cả mùa đông, nhất là vào các thời kỳ cuối của mỗi đợt không khí lạnh chứ không phải chỉ xuất hiện trong một số thời điểm nhất định.

Trong những ngày tới dự báo ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục có xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, thời gian xuất hiện là đêm và sáng, khi không khí lạnh yếu ở tầng thấp vẫn chi phối thời tiết khu vực này. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cảnh báo vào những ngày này, nếu không có các biện pháp bảo vệ, rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dịch bệnh dễ tấn công. Cần đặc biệt lưu ý vào cuối những đợt gió mùa Đông Bắc, hiện tượng nghịch nhiệt làm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Buổi sáng, khi quan sát thấy bầu trời u ám, nhiều mây, tầm nhìn thấp, đồng nghĩa là không khí đang ô nhiễm nghiêm trọng. Người già, trẻ em, người ốm… cần hạn chế ra đường. Nên có các biện pháp bảo vệ để tránh bị virus, vi khuẩn tấn công nhất là trong thời điểm dịch Covid -19 vẫn chưa chấm dứt.

Dùng khẩu trang chuyên dụng, hạn chế mở cửa khi ô nhiễm

Theo TS Hoàng Dương Tùng, để đối phó với dịch Covid -19, cần phải mở cửa thông gió, cho ánh sáng tự nhiên vào phòng. Nhưng vào những thời điểm không khí ô nhiễm tăng cao thì lại không nên mở cửa phòng. Những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá. Người dân cũng nên hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.

Ô nhiễm không khí được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Theo một nghiên cứu do Quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 người chết do ô nhiễm không khí. Căn cứ trên những số liệu và phương pháp, các nhà khoa học của Đại học Kinh tế Quốc dân đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, kết quả này gần giống với tính toán mà Ngân hàng Thế giới công bố.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý trong cả hai tháng tới độ ẩm không khí ở các tỉnh thành thuộc Bắc Bộ (đặc biệt là vùng đồng bằng và ven biển) duy trì ở mức cao, có nhiều ngày xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù.Thời tiết mù mịt cũng như độ ẩm không khí cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển. Người dân cần chú ý vệ sinh nhà cửa, bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra ngoài vào lúc không khí ô nhiễm.

Hà Bình

Hà Bình