Bệnh nhân B.T.Đ (15 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh) bị tai nạn giao thông cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau nhiều vùng hạ sườn phải, tay phải. Hình ảnh CTscaner chẩn đoán chấn thương vỡ gan độ V có giả phình mạch đang chảy máu, nhiều máu tự do ổ bụng.
Trước nguy cơ bệnh nhân có thể tử vong do shock mất máu, kíp trực Cấp Cứu đã hội chân liên khoa: Ngoại – Điện Quang Can Thiệp – Hồi Sức Tích Cực thống nhất nút mạch cầm máu điều trị vỡ gan.
Đây là giải pháp tối ưu giúp bệnh nhân không phải trải qua một cuộc đại phẫu nặng nề, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Ưu điểm vượt trội của phương pháp nút mạch là giữ được tạng bị tổn thương.
BSCKI Lê Tiến Hưng, Đơn nguyên Điện quang can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, bác sĩ luồn thiết bị vào gan và đã xác định được chính xác vị trí động mạch gan bị tổn thương gây chảy máu và bơm chất gây tắc mạch để cầm máu. Kết quả kiểm tra ngay sau nút mạch đã không còn tình trạng chảy máu vùng gan tổn thương.
Sau can thiệp 24h, người bệnh tỉnh táo, chỉ số sinh tồn ổn định, không xuất hiện chảy máu thêm sau can thiệp.
Theo BSCKI Lê Tiến Hưng, can thiệp nút mạch cấp cứu chấn thương gan thành công có giá trị tương đương với phẫu thuật, cầm máu tức thì, bảo tồn được gan, giảm tỷ lệ tử vong và thời gian nằm viện cho bệnh nhân. Đặc biệt hạn chế tối đa xâm lấn giúp tổn thương ở gan mau hồi phục để xử lý những tổn thương khác.
Vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5mm, không chảy máu, không để lại sẹo. Quá trình tiến hành kỹ thuật chỉ trong khoảng 30 - 45 phút, không gây đau đớn, bệnh nhân được gây tê tại vị trí can thiệp, hoàn toàn tỉnh táo, phục hồi nhanh và có thể xuất viện sớm.