Ô nhiễm lan rộng
Khoảng 12h00 ngày 7/9/2018, tại Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem (khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) xảy ra sự cố vỡ đê bao bãi chứa bã thải gyps khiến hàng nghìn mét khối nước thải, chất thải nguy hại tràn ra môi trường và tràn vào hàng chục hộ dân thị trấn Tằng Loỏng và xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng).
Nguyên nhân được cho do mưa lớn kéo dài, nước trong hồ thải dâng cao, trong khi hệ thống bờ bao không đảm bảo an toàn nên bị vỡ, khiến hàng nghìn mét khối nước thải, chất thải chứa chất độc hại chảy tràn ra Tỉnh lộ 151.
UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu doanh nghiệp ngừng sản xuất cho đến khi khắc phục xong sự cố; đồng thời thông báo cho nhân dân trên địa bàn tạm thời không sử dụng nước tại các khu vực suối Phú Nhuận, suối Trát, suối Mã Ngan, suối Hoai… UBND tỉnh Lào Cai cũng có thông báo cho tỉnh Yên Bái phía hạ du sông Hồng về các thông tin liên quan đến sự cố, phối hợp giám sát chất lượng nguồn nước.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), chất thải ở đây chủ yếu là kim loại nặng, florua, phốt phát tan, độ axit cao, độ PH thấp. Kim loại nặng khi ra ngoài môi trường sẽ tác dụng với vật chất, lắng đọng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Còn phốt phát và florua có thể lan ra xa, khi tràn ra ngoài chủ yếu gây tình trạng dư thừa phốt pho cho môi trường.
“Sự dư thừa này sẽ khiến môi trường bị ảnh hưởng theo nhiều cách. Đó là gây ra hiện tượng phú dưỡng. Phú dưỡng hay phì dưỡng là một phản ứng của hệ sinh thái khi quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat và phốt phát từ các loại phân bón hoặc nước cống rãnh bị thải vào môi trường nước. Hiện tượng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt oxy hòa tan trong nước, làm giảm số lượng cá thể cá và các quần thể động vật khác”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết,
Nước nhiễm độc khi tưới cây, nuôi cá
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, trong bãi thải có hàm lượng PH tương đối thấp vì còn dư axít. Lượng dư tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới cây trồng, các động vật thủy sinh, có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái. Đó là tác động về mặt hóa học.
Còn về mặt cơ học, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, bùn thải khi đi ra ngoài có thể tạo thành 1 lớp. Lớp này nếu tràn ra sông suối, lắng xuống thành bùn. Nếu không có mưa, không được pha loãng, bùn đó đọng lại ở dưới nhiều có thể làm thay đổi hệ sinh thái đáy ở sông, suối, ao mà bùn đó đổ vào.
Ví dụ, động vật như giun, sò, ốc sống ở đáy bị phủ bùn đó lên có thể làm khả năng tồn tại của chúng gặp rủi ro cao. Bên cạnh đó, hệ thực vật ở đáy bị bùn đó đè vào cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, người dân sống xung quanh khu vực xảy ra sự cố không nên sử dụng nước sông, suối khi các cơ quan chức năng đã ra cảnh báo. Còn với người dân khu vực hạ lưu sông Hồng địa phận Yên Bái, Lào Cai, khả năng ảnh hưởng của bùn thải như thế nào phải có các phương pháp đo chính xác, tránh gây hoang mang cho người dân. Cụ thể là thành phần kim loại nặng, hóa chất trong bùn thải có thể di chuyển bao xa thì bị pha loãng, khoảng cách như thế nào thì an toàn?
“Việc nhận biết bằng mắt thường nước sông có nhiễm kim loại hay không là không thể, do đó nếu vẫn có nhu cầu sử dụng nước thì nên xử lý bằng cách đánh phèn cho nước trong, giảm bớt các chất độc nếu hàm lượng các chất này thấp. Trường hợp hàm lượng cao thì rủi ro sẽ cao, không dùng được cho cả tưới cây, nuôi cá, chưa nói gì đến dùng cho sinh hoạt”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Để khắc phục sự cố, hàng chục tấn vôi bột đã được rải xuống suối, mương nước để trung hòa axít, giảm thiểu thấp nhất tác động xấu đến sức khỏe con người và đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ cao.
Bảo Khánh