Dọc đường

Nước Hồ Hòa Bình vượt van tum – nguy cơ thảm họa chưa từng có

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống lụt bão cho hay, do mực nước dâng cao, nếu van cửa xả ở hồ Hòa Bình hư hỏng thì tác hại không lường hết được.

Chiều 13/10, tại buổi thông tin báo chí của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống lụt bão, nhiều câu hỏi liên quan công tác dự báo, quy trình vận hành hồ chứa Hòa Bình đã được đặt ra.

ho-hoa-binh-khong-an-toan-se-la-tham-hoa-cua-dat-nuoc

Thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả đáy do lưu lượng nước quá lớn về đột ngột. Ảnh: Giang Huy.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Điều hành ứng phó (Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai) cho hay: Khu vực lòng hồ Hòa Bình có mưa đặc biệt lớn và bất thường trong ngày 10 – 11/10, gây lũ lớn trái mùa với lưu lượng nước đạt đỉnh trên 15.000m3/s.

“Hồ Hòa Bình đã phải xả lũ lịch sử, tới 8 cửa xả đáy làm mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tăng đột biến”, ông nói và cho hay cùng thời gian này tại khu vực Hòa Bình, lượng mưa phổ biến 350 – 450mm.

Dự báo chênh lệch lớn với thực tế

Theo ông Hải, dự báo lưu lượng mưa của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương có chênh lệch lớn so với thực tế. Cụ thể, bản tin lúc 15h15 ngày 10/10 dự báo lưu lượng nước về hồ lần lượt là 3.800m3/s và 2.900m3/s, tuy nhiên lưu lượng nước về hồ thực tế lớn hơn rất nhiều, 9.300m3/s và 11.200m3/s.

Tương tự, bản tin lúc 13h15 ngày 11/10 dự báo lưu lượng nước về hồ là 17.000m3/s nhưng thực tế chỉ còn hơn 7.000m3/s…

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường giải thích : “Dự báo mưa là khó, mưa cực đoan càng khó hơn”. Chẳng hạn tại Hòa Bình, chỉ trong vòng 6 tiếng lượng mưa đã lên gần 300mm, cả ngày lên tới 500mm.

Ông Cường cho biết, thế giới ít có dự báo chính xác lượng mưa đến từng mm, chỉ dự báo lượng mưa to hoặc nhỏ.

Ông Lê Thanh Hải cho biết, bão Khanun đang có dấu hiệu mạnh lên. Dự kiến đến đảo Hải Nam, bão sẽ mạnh cực đại cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16. Vùng ảnh hưởng rộng từ Quảng Ninh – Huế.

Chia sẻ thêm vấn đề dự báo, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho hay: “Dự báo càng gần thời điểm áp thấp đổ bộ thì càng chính xác, càng xa thì độ chính xác sẽ giảm bớt. Giống như bắn súng, anh càng cách mục tiêu xa thì càng kém chuẩn xác”.

Đánh giá tổng thể, lãnh đạo cơ quan dự báo khí tượng cho hay công tác dự báo thời gian qua đã “cơ bản sát với thực tế”.

ho-hoa-binh-khong-an-toan-se-la-tham-hoa-cua-dat-nuoc-1

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Võ Hải

Về việc vận hành liên hồ chứa Hòa Bình, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống lụt bão Trần Quang Hoài lý giải, theo quy trình vận hành, từ ngày 5 – 7/10 hồ Hòa Bình được tích đến cao trình 117m và khi lũ về thì được phép xả sáu tiếng một lần. Khi có tình huống khẩn cấp, hồ được xả cấp tập để đảm bảo an toàn cho công trình.

“Nếu hồ Hòa Bình không an toàn thì là thảm họa của đất nước. Tôi có ở hồ lúc đó, nước đã vượt qua cửa van tum. Nếu các cây gỗ to va vào gây hư hại cửa van thì tác hại không lường được. Việc xả lũ vừa rồi hoàn toàn đúng quy trình”, ông Hoài nhấn mạnh.

“Bão sẽ gây mưa lớn cho vùng Bắc bộ và Trung bộ. Năm nay nhiều cơn bão đổ bộ vào miền Trung, bão số 11 cũng có dấu hiệu sẽ đổ bộ vào miền Trung”, ông Hải nhận định. 

Theo ông Hoài, để không gây thêm áp lực cho hồ Hòa Bình, việc ngừng phát điện của Thủy điện Sơn La là “hành động linh hoạt, chính xác”. Nếu không, hồ này phải xả đến 9 – 10 cửa xả đáy.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống lụt bão cho biết thêm, đợt lũ vừa qua rất đặc biệt, chỉ mưa khu vực hồ Hòa Bình, còn ở hồ Sơn La lượng mưa không tăng đột biến, ổn định.

“Theo Quy trình vận hành liên hồ, đến 15/9 hàng năm chúng tôi giao cho các đơn vị làm thuỷ điện chủ động. Nhưng thời tiết năm nay mưa lũ muộn, rất bất thường, chúng tôi sẽ đề nghị thay đổi cho phù hợp với diễn biến phực tạp của thời tiết”, ông Hoài nói.

Theo Võ Hải/Vnexpress