Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn làm nhiều phim về môi trường, rác thải nhựa, đoạt không ít giải thưởng lớn tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế. Năm 2023, bộ phim “Hướng đi nào cho phế liệu nhựa” mang bao tâm huyết, trăn trở của anh, phản ánh thực trạng nhức nhối của nhập khẩu phế liệu nhựa.
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn. Ảnh: Mai Loan. |
Trường đoạn phim ám ảnh nhất
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn chia sẻ, trong quá trình làm phim tài liệu về rác thải nhựa, một trường đoạn quay tại ngôi làng tái chế nhựa lớn nhất ở miền Bắc là thôn Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, khiến anh ám ảnh khôn nguôi.
Ngôi làng này có hơn 40 năm làm tái chế, những gì không tái chế được, người dân vứt ra xung quanh. Ở khu nghĩa trang gần làng, rác thải nhựa chất cao như núi, che lấp hết những ngôi mộ. Cứ tối đến, phần rác thải không thể tái chế được một số đối tượng đốt. Cột khói đen kịt theo gió bay trở lại làng. Theo các nhà khoa học, đốt rác thải nhựa không đúng quy trình sẽ có nhiều hóa chất độc hại như Dioxin.
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn (bên trái) làm phim tài liệu về rác thải nhựa. |
Trong một buổi lang thang trong làng ghi hình người dân phân loại rác thải nhựa, anh Văn quay được cảnh cô bé hơn 10 tuổi, tóc rũ rượi, đi lại bên ông, bà đang ngồi phân loại rác thải nhựa. Cô bé cứ thế, nhảy vòng quanh đống rác.
Ban đầu, anh không chú ý, nhưng càng quay, anh càng thấy biểu hiện của cô bé không bình thường. Hỏi ra mới biết, từ khi cháu còn trong bụng mẹ, bác sĩ đã khuyến cáo có vấn đề về sức khỏe.
“Có thể người mẹ khi mang thai sống trong môi trường ô nhiễm của rác thải nhựa khiến cháu bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy. Mỗi lần nghĩ lại về hình ảnh cô bé múa ba lê với rác thải nhựa, tôi lại ám ảnh”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn kể.
Bỏ tiền túi đầu tư làm phim
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn cho hay, anh đam mê bộ môn nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. Dù phim về đề tài nước hay rác thải, anh yêu cầu quay phim và ê-kíp đầu tư làm nội dung hấp dẫn. Những hình ảnh sinh động, giàu sức biểu cảm, thậm chí gây hiệu ứng thị giác ám ảnh, là cái đích hướng tới.
Đó là hình ảnh dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và đặc quánh như dầu luyn của “công trình thế kỷ” từng là niềm tự hào của miền Bắc một thời trong phim “Chuyện dòng Bắc Hưng Hải”.
Đó là ánh mắt thất thần của người nông dân khi chứng kiến vài chục héc-ta ngao chết trắng, vì những chiếc túi bóng trên mặt biển dạt vào phủ kín bề mặt các lồng bè, hút cạn oxy khi thuỷ triều rút.
Đó là quang cảnh người dân hồn nhiên bơi lặn, ngâm mình trong làn nước ô nhiễm trầm trọng. Hay cảnh người đàn ông lặn dưới dòng sông ô nhiễm khai thác mỗi ngày hàng trăm kg trai cung cấp ra các chợ quê cho người dân sử dụng.
“Ngồi thuyền để ghi hình 4 giờ, đeo hai lớp khẩu trang dày, các thành viên nhóm làm phim vẫn thấy tức ngực, nôn nao do mùi hôi thối của sông Bắc Hưng Hải. Đó là những khuôn hình biết nói, đủ sức thuyết phục và mạnh hơn mọi ngôn từ”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn tâm sự.
Đây cũng chính là lý do khiến anh Văn không tiếc công sức, tiền của để đầu tư cho phim của mình. Trên xe, anh chất đầy thiết bị làm phim cá nhân, để bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể tác nghiệp. Ổ cứng lưu dữ liệu cá nhân “nhiều không đếm xuể”.
Từ ngày làm phim, anh gần như chưa để ra được một đồng nhuận bút. Một tập phim “Ô nhiễm nhựa ở biển” phải mất 6-7 tháng di chuyển, ghi hình. Để hoàn thành “Chuyện dòng Bắc Hưng Hải”, ê-kíp làm phim phải đi và về không biết bao nhiêu chuyến suốt 3 tháng bằng phương tiện cá nhân, trong khi kinh phí được cấp chỉ đủ cho 4 người đi và về địa phương một tuần.
Anh tự lái xe riêng, tiền vé máy bay chỉ có thể thanh toán một phần, máy móc, thiết bị liên tục phải “nâng đời”, tự đảm nhận công đoạn hậu kỳ. Mỗi lần làm đồ họa hay phục dựng, nhiều khi, đạo diễn phải bỏ tiền túi... Ngoài ra, khó khăn chung của những người làm phim tài liệu là phải tìm kiếm đề tài, viết kịch bản, làm sao để phỏng vấn được các bên liên quan, bộ, ngành.
Đạo diễn Nguyễn Tài Văn lặn, ghi hình rác thải nhựa chìm dưới biển. |
Những “cái được” vô giá
Đạo diễn Nguyễn Tài Văn cho hay, điều khiến người làm phim khoa học như anh trăn trở là số người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng. Đó chính là lý do anh vượt qua tất cả trở ngại, khó khăn, để làm phim.
“Nếu chỉ là một chương trình, một bài viết và một lần đưa tin hay làm phim, chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc truyền tải thông điệp đến người dân, bởi mỗi người có trình độ, góc nhìn, sự cảm nhận khác nhau. Nhưng khi liên tục nhắc đến nó, tuyên truyền đúng cách, tôi tin sẽ thấm dần vào ý thức của công chúng và cao hơn nữa là các nhà quản lý”, anh Văn nói.
Sau khi “Ô nhiễm nhựa ở biển” lên sóng, Green Hub - tổ chức phi chính phủ - đã đưa ra phương án sơn phủ để tăng tuổi thọ cho phao xốp ở lồng bè từ 2 lên 20 năm. “Chuyện dòng Bắc Hưng Hải” góp thêm một tiếng nói để Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá tác động môi trường, báo cáo Chính phủ.
Phim tài liệu “Hướng đi nào cho phế liệu nhựa” cũng được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đánh giá cao, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện để đoàn tác nghiệp tốt nhất.
“Những cái được ấy là vô giá. Với tôi, làm phim là công việc hấp dẫn, vì có thể góp phần rất nhỏ giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn bộc bạch.
Nguyễn Tài Văn hiện là đạo diễn của Phòng Khoa học Môi trường, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam. Ở vai trò đạo diễn và quay phim, anh đoạt nhiều giải thưởng cao nhất tại các Liên hoan phim trong nước.Trong đó, mảng đề tài về rác thải nhựa, phim “Ô nhiễm nhựa ở biển” được trao giải Bông Sen Bạc năm 2019 (không có Bông Sen Vàng) cho thể loại phim Khoa học, tiếp đó là Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam; Giải B Liên hoan phim, môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.