Mới đây, con trai bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) đã có đơn xin được nộp 10 tỷ đồng để bảo lĩnh cho mẹ được tại ngoại.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật, bị can đang bị tạm giam để điều tra có thể được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp "đặt tiền để bảo đảm". Việc này được quy định tại điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc được người thân bảo lĩnh để chuyển sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bà Nguyễn Phương Hằng. |
Đặt tiền để bảo đảm là thủ tục, điều kiện thay đổi biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này gồm Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại Bộ luật này. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
Người thân thích của bị can, bị cáo được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu vi phạm, số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo.
Luật sư Cường cho rằng, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, tuy nhiên đây là biện pháp lần đầu tiên quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và gần như chưa được áp dụng nhiều trên thực tế bởi nhiều lý do khác nhau.
Lý giải biện pháp này không được áp dụng nhiều trên thực tiễn, luật sư Cường cho biết, việc áp dụng biện pháp này là tương đối nhạy cảm, phức tạp và chưa tạo thành thói quen pháp lý. Thông thường, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo quy định của pháp luật để thay đổi biện pháp ngăn chặn nếu có căn cứ cho thấy bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. Khi cơ quan tiến hành tố tụng có niềm tin rằng bị can được thả ra sẽ không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội, không cản trở hoạt động điều tra...
Còn trường hợp vụ án phức tạp, gây dư luận xấu, không có căn cứ cho thấy bị can thành khẩn khai báo, có thể xảy ra trường hợp bị can bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, cản trở hoạt động điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Mới đây, anh Nguyễn Quang Tuấn (30 tuổi) vừa gửi đơn đến công an và Viện kiểm sát xin đặt 10 tỷ đồng để bảo lĩnh mẹ ruột là bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) được tại ngoại.
Trong đơn xin đặt tiền để đảm bảo, anh Tuấn bày tỏ mong muốn các cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Hằng. Theo anh, bà Hằng có đủ các điều kiện theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 7/8/2018 (có hiệu lực từ ngày 20/9/2018) được áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền bảo đảm để thay thế biện pháp "tạm giam" quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể là bà Hằng phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng; trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.
Ngoài ra, anh Tuấn cũng cho rằng, hành vi của mẹ mình không thuộc các trường hợp "không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm". Bởi trong quá trình điều tra bà Hằng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm.
Đáng chú ý, bà Hằng đang không khoẻ, phải điều trị nhiều bệnh, thường xuyên phải uống thuốc. Bà còn phải chăm sóc mẹ hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ; là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động...
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng:
Nguồn: THĐT