Bệnh nhân nam 54 tuổi vào viện vì xuất hiện khối phồng vùng bẹn phải kèm đau tức. Bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị bẹn phải và được mổ nội soi ngoài phúc mạc đặt tấm lưới (TEP).
TS.BS Đặng Quốc Ái, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, với sự ra đời của nhiều phương tiện từ lưới, dụng cụ cố định tấm lưới, các tấm lưới tự dính... phẫu thuật nội soi trong thoát vị bẹn cho kết quả tốt và có thêm một số ưu điểm so với mổ mở nên ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở ngoại khoa.
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong ổ bụng (như ruột, mạc nối lớn) rời khỏi vị trí và chui qua lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Cơ chế bệnh sinh của thoát vị bẹn là do sự mất cân bằng giữa áp lực bên trong ổ bụng và cơ chế giữ kín thành bụng, làm phúc mạc qua vùng yếu của thành bụng đội ra ngoài kéo theo nội tạng bên trong.
Khi mắc thoát vị bẹn, người bệnh có cảm giác nặng nề, tăng áp lực lên phần chậu. Triệu chứng đặc trưng nhất là xuất hiện khối phồng vùng bẹn. Khối phồng này to lên, gây đau nhói, khó chịu khi làm việc nặng, rặn, chạy, nhảy,... và biến mất khi nằm, nghỉ ngơi.
Thoát vị bẹn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất là thoát vị nghẹt, gây hoại tử ruột, mạc treo ruột.
Phương pháp điều trị thoát vị bẹn chủ yếu là phẫu thuật. Mổ thoát vị bẹn kinh điển được sử dụng trong điều trị thoát bị bẹn trước đây là sử dụng mô tự thân để tái tạo, khâu che lại điểm yếu của thành bụng.
Nhược điểm của phương pháp này là mô cân từ hai vị trí xa nhau được khâu vào nhau, gây căng đường khâu, làm bệnh nhân đau nhiều, thời gian hậu phẫu kéo dài, chậm phục hồi sau mổ. Ngoài ra, các lớp khâu tạo hình bị căng, thiếu máu đến nuôi dưỡng, sẹo khó lành, nguy cơ thoát vị tái phát cao.
Theo TS.BS Ái, đối với mổ nội soi có hai kỹ thuật thông dụng được nhiều phẫu thuật viên lựa chọn đó là mổ nội soi theo đường trong phúc mạc ( TAPP) và mổ nội soi theo đường ngoài phúc mạc (TEP).
Cả hai kỹ thuật này đều đặt tấm lưới trước phúc mạc, trong đó TEP là một kỹ thuật không xâm nhập vào ổ phúc mạc nhưng khó hơn vì nhận định các mốc giải phẫu đòi hỏi phải có kinh nghiệm.
Mổ nội soi đặt TEP với đường mổ nhỏ, bệnh nhân ít đau sau phẫu thuật, nhanh phục hồi, tái phát thấp, an toàn, hiệu quả, ít biến chứng...