Không dám mổ vì sợ... không qua khỏi
Bệnh nhân nam (86 tuổi, Hà Nội) đến viện khám với triệu chứng đại tiện phân nhầy máu. Kết quả sinh thiết, chụp CT cho thấy, là ung thư biểu mô tuyến, khối u giai đoạn T3N1. Bệnh nhân đã có tiền sử mổ mở cắt ruột thừa 20 năm, sau đó nhiễm trùng và rò tiêu hoá nên lần này cụ ông cương quyết không mổ vì sợ nguy hiểm... và không qua khỏi.
TS.BS Đặng Quốc Ái, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện E T.Ư cho biết, trường hợp bệnh nhân này đã ở giai đoạn nặng, gần tắc ruột hoàn toàn nên cần phải được tiến hành phẫu thuật sớm. Đối với các trường hợp ung thư đại trực tràng (UTĐTT) để muộn có thể gây tắc ruột, vỡ đoạn ruột phía trên dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc và tử vong là khó tránh khỏi. Đặc biệt, trong trường hợp này (tắc ruột mổ cấp cứu) đối với khối u nằm ở trực tràng và đại trực tràng phía bên trái thì phải mổ hai thì: Làm hậu môn nhân tạo giải quyết tắc ruột và sau đó khoảng 2 tuần khi bệnh nhân ổn định rồi mới tiến hành mổ cắt đoạn đại trực tràng vét hạch và lập lại lưu thông tiêu hoá được. Ca mổ kéo dài hơn 3 tiếng đã thành công và sau 7 ngày, bệnh nhân ổn định ra viện.
Khối u được cắt bỏ qua nội soi. |
Theo TS.BS Đặng Quốc Ái nhấn mạnh, với sự tiến bộ của phẫu thuật và gây mê hồi sức, ngày nay các phẫu thuật lớn của đường tiêu hoá đã được thực hiện qua mổ nội soi thay cho mổ mở... Tuy nhiên, mổ nội soi không hề đơn giản mà phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn và kỹ thuật của bác sĩ.
Khối u và số hạch được vét trong mổ. |
Chẳng hạn, với bệnh nhân này, đã có tiền sử mổ mổ vùng bụng, ruột dính nhiều là một khó khăn lớn trong mổ nội soi, nhưng bệnh nhân vẫn được mổ nội soi thành công. Điều đó cho thấy, tiền sử mổ bụng cũ cũng không phải là một chống chỉ định cho mổ nội soi mà còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó có yếu tố con người. Nhờ động viên, giải thích kỹ về bệnh và kỹ thuật, sau 2 tuần gia đình mới thuyết phục được bệnh nhân làm phẫu thuật. Sau mổ 3 ngày, cụ ông xúc động chia sẻ: “Trước khi đi mổ tôi đã chuẩn bị 16 phần quà cho 16 cháu rồi vì sợ... Tôi cứ nghĩ là sau mổ sẽ rất đau, rất mệt và... nhiều thứ... Tuy nhiên, hôm nay rút được hết mấy cái ống trên người thấy nhẹ nhõm và thoải mái quá”.
Cụ ông bình phục sau 3 ngày phẫu thuật. |
Đừng chủ quan với biểu hiện khác thường của đường tiêu hóa
Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, UTĐTT là loại ung thư đứng hàng thứ 3 trên thế giới, hàng thứ 2 ở các nước phát triển và đang tăng lên ở mức thường gặp nhất. U thường phát triển từ các tế bào tuyến của niêm mạc đại tràng, xâm lấn vào thành ruột lan ra các tổ chức xung quanh. U di căn theo 3 đường: đường bạch huyết tới các nhóm hạch; đường máu tới gan, phổi xương… và đường kế cận đó là xâm lấn đến các tạng lân cận.
TS.BS Đặng Quốc Ái và bệnh nhân. |
Theo TS.BS Đặng Quốc Ái, UTĐTT gây ra các rối loạn bài tiết phân, gây cản trở bít tắc lòng ruột và chảy máu vào trong lòng ruột gây đi ngoài ra máu... Triệu chứng cơ năng gồm những thay đổi về bài tiết phân như: mót rặn, đau quặn bụng, trướng bụng, ỉa phân nhầy mũi hoặc lẫn máu… Vì vậy, khi có các biểu hiện khác thường của đường tiêu hoá như đau bụng lâu ngày điều trị các thuốc thông thường không khỏi, nôn ra máu, đi ngoài phân máu hoặc phân nhầy... đặc biệt là ở người lớn tuổi thì nên đi khám, tránh để các khối ung thư muộn rồi mới được phát hiện gây nguy hiểm và khó khăn trong điều trị.
Điều trị UTĐTT, phẫu thuật cắt bỏ đoạn trực tràng có khối u đồng thời với lấy bỏ các hạch bạch huyết vùng là cơ bản nhất. Bệnh nhân đến muộn khối u lớn và nhiều hạch thì sẽ khó khăn hơn trong cắt và nạo vét hạch, đó là chưa kể trường hợp phát hiện muộn, ung thư xâm lấn vào các tạng kế cận như ruột, dạ dày, gan, lách, thận, thành bụng… phải cắt kèm theo nhiều tạng thành một khối...