Ngày 14/8, thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân nam tên T.B.T. 17 (ở Kiên Giang) bị hóc xương cá từ đường ăn "di cư" ra vùng cổ.
Khai thác bệnh sử, anh T. cho cho biết, anh tham gia buổi tiệc, có uống say và không nhớ mình đã bị hóc xương cá. Sau khoảng 3 - 4 ngày, anh T. thấy có nổi hạch ngay dưới cằm và sưng lên. Khoảng 1 tuần sau, anh T. bị sốt, đi khám ở bệnh viện huyện được chẩn đoán viêm hạch bình thường và tự uống thuốc thì hạch xẹp, nhưng ngưng thuốc hạch lại sưng.
Tuy nhiên, 6 tháng sau, anh T. nổi hạch ở cổ, ấn vào thấy đau, lo lắng mình bị khối u, anh đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám. Tại đây, bác sĩ ghi nhận anh có dị vật vùng cổ nên được chuyển đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM điều trị.
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, kiểm tra sau phẫu thuật. Ảnh baodanviet |
Tại bệnh viện, bác sĩ ghi nhận một khối sượng cứng vùng dưới cằm lệch ở bên phải, đường kính khoảng 3cm, ấn đau nhẹ. Kết quả, CT Scan cho thấy bên trong khối sượng cứng có dị vật dài khoảng 16mm ở sàn miệng bên phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán dị vật sàn miệng, biến chứng áp xe mô mềm xung quanh.
Bệnh nhân được phẫu thuật, dẫn lưu áp xe, rút ra khoảng 5ml mủ đục và lấy dị vật là xương cá có kích thước khoảng 15mm.
Các bác sĩ cho biết ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn khi xương cá đã bị gãy và nằm lâu trong cơ thể. Phải mất nhiều thời gian, ê kíp phẫu thuật mới lấy hết được 2 mảnh xương cá. Sau phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt.
Theo bác sĩ, dị vật đường tiêu hóa, nhất là xương cá có thể di chuyển gây nhiều biến chứng như thủng thực quản, viêm trung thất, biến chứng mạch máu, áp xe cổ... Trên thế giới, tỷ lệ dị vật đường ăn "di cư" ra vùng cổ khá hiếm gặp. Vùng cổ có những mạch máu lớn, trên đường di chuyển nếu xương cá vô tình xuyên qua động mạch, gây vỡ động mạch sẽ nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo khi có những dấu hiệu của hóc xương cá như nuốt đau, nuốt vướng, người bệnh cần đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được phát hiện, xử trí kịp thời.