Ngân hàng

Nợ xấu ngân hàng là thách thức của nền kinh tế

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong các thách thức của nền kinh tế là nợ xấu ngân hàng có xu hướng tiếp tục tăng và áp lực gia tăng vốn điều lệ.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có nợ xấu để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng.

Theo nhận định của cơ quan thẩm tra, hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở cả đầu vào và đầu ra, không đáp ứng được điều kiện vay vốn, chưa có phương án kinh doanh hiệu quả, do đó dù mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận cao thể hiện những nỗ lực của ngành ngân hàng, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ nguồn thu của các ngân hàng từ dịch vụ khác, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, thu hồi nợ xấu và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng...  để xem xét tính bền vững của tăng trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Báo cáo thẩm tra cũng dẫn thông tin tại thời điểm đầu tháng 4/2021 của Công ty Chứng khoán SSI, việc lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5% chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2 - 2,5%) trong năm 2020, đã khiến biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%. Số liệu thống kê của FiinGroup cho biết, NIM của 26 ngân hàng đã đạt mức 3,84% trong năm 2020. Trong đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về VPBank (9,06%); Techcombank (5,75%); MBBank (5,42%); OCB (4,78%).

Vẫn trong lĩnh vực ngân hàng, Thường trực Ủy ban Kinh tế còn đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và xu hướng gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt chú ý đến số liệu thực chất của nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ tại báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng do thực hiện quy định về giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung kết quả triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng đã mua bắt buộc và ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát đặc biệt. Trước đó, quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, một số thành viên Ủy ban đã đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp khó khăn mà ngân hàng lãi khủng?

Đức Vinh