Doanh nghiệp

Những yếu kém đến khó tin tại dự án đạm Hà Bắc

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Sự kém hiệu quả của dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc đều đã được cảnh báo từ khâu lập dự án. Nhưng đáng ngạc nhiên là dự án này vẫn được phê duyệt thực hiện để dẫn tới thua lỗ. Dẫu thế, nhiều lãnh đạo của chủ đầu tư (Vinachem) vẫn "hạ cánh" an toàn.

Không đủ năng lực, biết sẽ lỗ vẫn duyệt thầu nửa tỷ USD

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, quyết tâm thực hiện dự án Cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc là nguyên nhân chính khiến Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam - Vinachem) rơi vào thua lỗ.

Cụ thể, dự án mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc với tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới 568,6 triệu USD, trong khi vốn tự có của Công ty Đạm Hà Bắc chỉ chiếm 17,9%, còn lại là vốn vay, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài. Đến cuối năm 2016, nợ phải trả và vay ngân hàng của Đạm Hà Bắc chiếm tới 89,7% tổng tài sản, gấp 8,7 lần vốn chủ sở hữu, chiếm tới 96,5% giá trị tài sản cố định. Công ty mất cân đối dòng tiền, khó khăn về tài chính.

Từ khi dự án hoạt động (tháng 4/2015) đã liên tục thua lỗ, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Năm 2015 lỗ 669,7 tỷ, năm 2016 lỗ 1.051,4 tỷ đồng... Đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu tại Công ty Đạm Hà Bắc chỉ còn 1.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.221 tỷ so với năm 2012, và 1.051 tỷ so với năm 2015.

Thực tế, dự án Đạm Hà Bắc không hiệu quả đã được cảnh báo. Cụ thể, theo chủ trương phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được Chính phủ phê duyệt, Vinachem đã duyệt dự án mở rộng và xây mới nhà máy Đạm Hà Bắc vào năm 2006. Thời điểm đó, Vinachem ước tính dự án có TMĐT khoảng 251,25 triệu USD.

Đây là dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương và nằm trong danh mục dự án Nhà nước bảo lãnh tín dụng. Nên theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP, dự án này Vinachem được triển khai và tự tổ chức thực hiện. Do đó, Vinachem đã giao Công ty Đạm Hà Bắc thực hiện dự án.

Công ty Đạm Hà Bắc đã chọn Liên danh nhà thầu WEC – CECO (gồm Công ty TNHH CP khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn Trung Quốc và Công ty CP thiết kế công nghiệp hóa chất Việt Nam) để tư vấn lập dự án. Liên danh này đã báo giá dự án lên tới 392,3 triệu USD, nhưng không gồm chi phí bản quyền công nghệ, không xác nhận tính khả thi của công nghệ, thiếu tài liệu tính toán chi tiết vốn đầu tư cho từng hạng mục công trình, cho thiết bị chính…

Nói cách khác, chất lượng tư vấn thực tế đã không đạt. Tuy nhiên, ngạc nhiên là Công ty Đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận TMĐT trên và dựa vào đó để lựa chọn nhà thầu EPC. Kết quả, không có doanh nghiệp nào trúng thầu, do giá các doanh nghiệp đưa ra quá cao. Do đó, Công ty Đạm Hà Bắc đã xin Vinachem tính toán, điều chỉnh lại TMĐT.

Tuy biết rõ Công ty Đạm Hà Bắc không đủ điều kiện theoquy định, không đủ năng lực để tổ chức điều chỉnh, lập mới TMĐT và tính toán hiệu quả dự án, nhưng Vinachem vẫn chấp thuận với đề nghị của công ty này. 

Căn cứ quyết định số 354/QĐ-HCVN ngày 19/8/2009 của Hội đồng quản trị Vinachem, Công ty Đạm Hà Bắc đã tiến hành điều chỉnh dự án, có tờ trình ngày 11/9/2009 đề nghị tăng TMĐT lên 568,6 triệu USD. Dù trong tờ trình có nhiều nội dung tăng chi phí không được giải thích, nhưng Vinachem vẫn ban hành Quyết định ngày 20/10/2009, phê duyệt điều chỉnh dự án theo tính toán của Công ty Đạm Hà Bắc.

Lưu ý, trước đó, ngày 1/10/2009, kết quả thẩm định điều chỉnh dự án của Ban Đầu tư xây dựng của chính Vinachem đã cảnh báo: dự án nhà máy Đạm Hà Bắc sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 19%, hoặc giá bán ure giảm tới 8%, giá than tăng 22%. Trong khi đó, tại thời điểm Vinachem phê duyệt tháng 10/2009, TMĐT của dự án đã tăng 176,271 triệu USD, tương đương 44,9%.

Thất bại được báo trước

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi đưa vào vận hành, khai thác tháng 4/2015, dự án liên tục gặp khó khăn do giá ure trong nước giảm và giá than tăng cao. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá than ở mức quá cao, khiến chi phí sản xuất cao hơn giá thành, nên dù giá ure có tăng, dự án đạm Hà Bắc vẫn thua lỗ.

Số liệu tại kết luận thanh tra nêu, năm 2015 giá than trên thị trường cao hơn mức dự báo năm 2009 là 103%, năm 2016 là 93%, năm 2017 tăng 105%, năm 2018 tăng 110%, năm 2019 tăng 128%... Trong khi đó, giá ure mãi đến năm 2018 mới tăng 2%, năm 2019 tăng 0,33%. 

Tuy nhiên, thảm cảnh thua lỗ do giá than quá cao đã không chỉ diễn ra tại Công ty Đạm Hà Bắc, mà còn có tại dự án nhà máy Đạm Ninh Bình (cũng thuộc Vinachem).

Thực tế, trên thế giới công nghệ sản xuất phân đạm từ than đã lạc hậu. Thay vào đó, các nước trên thế giới đều chuyển sang công nghệ sử dụng khí hóa lỏng. Nguyên nhân do công nghệ sản xuất từ than có hiệu quả thấp do phải qua nhiều giai đoạn phân tách từ than ra khí. Và gây ra ô nhiễm môi trường do bã xỉ than khi sản xuất.

Tại Việt Nam, trước khi dự án Đạm Ninh Bình hay Đạm Hà Bắc được đưa vào quy hoạch, dự án sản xuất phân bón từ khí hóa lỏng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư. Đó là nhà máy Đạm Phú Mỹ phê duyệt từ năm 2001 và hoạt động từ năm 2004, nhà máy Đạm Cà Mau hoạt động từ năm 2010. 

Hai nhà máy của PVN có công nghệ hiện đại hơn, hoạt động sớm hơn, được ưu đãi giá nguyên liệu trong thời gian đầu, công suất lớn (800.000 tấn/năm mỗi nhà máy, chưa kể nhập khẩu)... Do đó, không khó để hình dung hai nhà máy của PVN đã thâu tóm xong thị phần đạm trong nước, trước khi Vinachem kịp vận hành hai nhà máy sản xuất đạm từ than tại Ninh Bình và Hà Bắc.

Có nghĩa, kể cả trong trường hợp thuận lợi (khi TMĐT và giá nguyên liệu không tăng), thì đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình của Vinachem cũng khó có cửa cạnh tranh với hai nhà máy của PVN. 

Điều này giải thích vì sao sau 5 năm hoạt động, cả hai nhà máy của PVN (Phú Mỹ và Cà Mau) đều có lãi lớn, trong khi hai nhà máy của Vinachem đều thua lỗ nặng. 

Cũng cần phải nhấn mạnh, dù Thanh tra Chính phủ "tránh" không kết luận, thực tế là cả 2 dự án phân bón DAP của Vinachem (Đình Vũ và Lào Cai) cũng đều thua lỗ, tương tự như 2 dự án đạm (Ninh Bình và Hà Bắc). Cho thấy năng lực lập và triển khai dự án của lãnh đạo Vinachem là rất yếu. Thể hiện cụ thể qua việc giao đơn vị không có năng lực được lập và tự quyết dự án, qua lựa chọn công nghệ sản xuất lỗi thời, và đặc biệt là việc bỏ qua cảnh báo, "nhắm mắt" ký triển khai dự án ngay cả khi đã có cảnh báo sẽ thua lỗ nếu TMĐT tăng quá 19% (thực tế TMĐT tăng 44,9%). 

Nhờ sự "tránh" và "nhắm mắt" ấy, nhân sự lãnh đạo các thời kỳ của Vinachem khá an toàn, dù các dự án thì thua lỗ nặng. Đó cũng là chuyện khó tin, nhưng rất thật, tại Vinachem.  

Quốc Trọng