Khám phá

Những thói quen tưởng tốt mà có hại của người Việt, kỳ 1: Lợi bất cập hại từ rượu ngâm

Thói quen tích trữ rượu ngâm với đủ loại từ tắc kè, rắn, bìm bịp, sừng tê giác đến nhân sâm, kỳ tử, rễ đinh lăng… trở nên khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Cứ có khách quý đến nhà, thế nào cũng phải mời bằng được vài ba chén rượu thuốc cho câu chuyện thêm phần thân mật. Theo các chuyên gia, thói quen này khiến nhiều người phải rước họa.

Rượu rắn

Khách quý mới được mời rượu

Thói quen tích trữ rượu ngâm trong nhà được GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam lý giải ở góc độ tâm lý chung rằng đa phần người ngâm rượu đó là vì “nghe nói” đến tác dụng của loại rượu đó nên cũng mua về ngâm.

Thực hư tác dụng nó như thế nào thì không ai chứng mình được, nhưng nó như một thứ trải nghiệm được lây lan bằng những lời đồn rằng nó tốt lắm, khỏe lắm.

Nhất là đời sống nông nghiệp thủa xưa, bệnh viện ít, bệnh xá hiếm, thuốc thang lại càng hiếm thì việc tích trữ sẵn trong nhà một vài bình rượu thuốc, gọi là rượu bổ cho cơ thể được coi như một giải pháp “phòng bệnh” lúc trái gió trở trời.

Bởi nó là bình “rượu quý” nên người sử dụng nó cũng phải là “người quý” lắm, khách xa về hoặc vào những dịp gặp gỡ tiệc tùng, bình rượu mới được mở ra đã khách.

Cùng nhau ngồi ngắm bình rượu, nhấp chén rượu quý vào đầu lưỡi, hít hà mùi rượu thơm, tận hưởng từng giọt rượu đã được chắt lọc từ thời gian và tâm huyết của gia chủ, không gian như lắng đọng trong sự thân tình.

Rượu sâu chít

Chẳng cần biết đó là rượu ngâm với gì, nhân sâm hay chỉ là củ đinh lăng đào ngoài vườn, chỉ cần biết đó là “rượu quý”.

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho rằng, đa phần người mời rượu kiểu đó không biết khách có bệnh gì không, có phản ứng với chất gì không, loại rượu mình ngâm có thực sự bổ không hay chỉ là mình nghĩ đó là rượu bổ thì sẽ bổ.

Cứ hứng lên là uống, là mời. Chính thói quen đó đem lại những hiểm họa đối với sức khỏe, lợi chưa thấy đâu mà đã thấy hại. Mà cho dù đó là rượu bổ thực sự thì cũng phải có quy định về thời gian và liều lượng uống. Cứ thích lúc nào uống lúc đó, không quan tâm đến các yếu tố khác thì rất dễ rước họa.

Chuốc độc vì rượu thuốc

Theo GS Ngô Đức Thịnh, hiện nay y học hiện đại đã khẳng định một số vị thuốc được coi là “thần dược” với sức khỏe thực ra lại không có tác dụng gì như sừng tê giác, cao xương hổ, mật gấu… Trong khi đó, những thông tin truyền tai nhau thì vẫn khẳng định các tác dụng của những loại nguyên liệu này, vậy thì tin vào cái gì?

Ngày xưa, do điều kiện chăm sóc y tế kém nên người ta phải tìm đến các bài thuốc dân gian tự chế, thực hư tác dụng thế nào không biết, nhưng cứ người này truyền tai người kia, nên đôi khi người khỏi bệnh nhờ tâm lý chứ không phải do các phương thuốc bổ nào mang lại.

Bởi thế nên người ta mới khẳng định vai trò của tâm lý, niềm tin trong việc điều trị bệnh.

Vì không hiểu rõ tính năng tác dụng của từng loại rượu mà chỉ nghe truyền tai câu được câu chăng nên nhiều người thực hiện việc ngâm rượu thuốc sai cách. Lương y Vũ Quốc Trung ví dụ, nhiều người do quan niệm rượu rắn rất quý nên cố tìm mua một bình rượu rắn để uống, họ đâu có biết, rắn có tác dụng chống đau nhức xương khớp nhưng phải đi kèm với những vị khác như cam thảo, cốt toái bổ, đỗ trọng… thì mới có tác dụng.

Rượu sâm

Nếu chỉ dùng rắn ngâm với rượu chẳng có tác dụng, mà còn có thể gây viêm ruột. Hoặc khi ngâm rượu tắc kè, thì phải ngâm cùng dược liệu khác mới tốt cho sức khỏe. Hoặc ngâm rượu với dương vật của các con vật để uống cũng không có tác dụng như tin đồn…

Thực tế đó làm cho nhiều người dùng rượu thuốc bị ngộ độc nặng, có người còn bị tử vong mà nguyên nhân do uống rượu thuốc không rõ nguồn gốc lại được ngâm với những loại động vật như một số loài rắn độc, bọ cạp và các sản phẩm từ gấu… với mục đích bổ dương, tăng cường sinh lực.

Rượu ngâm quá lâu, kết hợp các vị không đúng, uống vô độ không có liều lượng… là những nguyên nhân khiến người dùng rước họa. Theo GS Ngô Đức Thịnh thì ngày nay, các loại thuốc chuyên dụng chữa từng loại bệnh luôn có sẵn, điều kiện sống tốt hơn, thực phẩm ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng hơn… thì nên tận dụng và từ bỏ thói quen dựa vào rượu thuốc để tăng cường sức khỏe.

Hiểu đúng về rượu thuốc

Theo lương y Vũ Quốc Trung, thói quen ngâm nhiều loại rượu thuốc trong nhà đã có từ rất lâu đời, nên cũng không thể nói là đừng ngâm rượu thuốc nữa bởi nhiều khi chủ nhân không uống rượu nhưng vẫn tích trữ sẵn càng bình rượu thuốc để khi có dịp thì mời khách.

Đó là những nhu cầu khác nhau của mỗi người, không nên bài xích mà nên hiểu rõ các tác động của rượu thuốc để có cách sử dụng đúng, không rước họa vào người. Rượu thuốc có nghĩa rượu là thuốc, thuốc trong rượu.

Các tài liệu y học cũng đã khẳng định khi thuốc đi vào rượu thì sự chuyển hóa của thuốc trong máu cũng nhanh hơn. giúp người uống ăn ngon miệng hơn, thức ăn chuyển hóa và được hấp thu nhanh hơn.

Thuốc bổ, rượu bổ làm tăng chất lượng cuộc sống chứ không được coi là dùng để chữa bệnh. Nếu sử dụng với mục đích chưa bệnh thì phải có chỉ định của bác sỹ.

Dù là thuốc bổ thì không phải ai uống cũng tốt. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết: Rượu làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp nên những người có bệnh tim mạch, huyết áp thì không nên uống. Hơn nữa trong việc ngâm rượu thuốc cũng rất cần có những lưu ý.

Các thành phần của thuốc được ngâm lâu và ngâm không đúng vị có thể tạo thành chất độc hủy hoại sức khỏe. Ví dụ như ngâm dược liệu có tính axit với dược liệu có tính kiềm thì chúng sẽ tương tác, phá hủy, tạo ra chất độc cho cơ thể. Liều lượng các thành phần cũng phải được cân đong đo đếm chứ không được tùy tiện, dù đó có là nhân sâm, kỷ tử…

Nhiều người có thói quen cứ vớ được cái gì là ngâm cái đó, nhưng không biết rằng việc ngâm như thế có đúng không, liệu có sinh ra độc chất gì không.

Rượu thuốc áp dụng đúng thì tốt, ngược lại thì rất gây hại cho sức khỏe. Nếu có ý định ngâm rượu thuốc, hãy tìm hiểu kỹ loại thuốc định ngâm, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sỹ, các chuyên gia để không biến bình rượu thuốc thành bình rượu độc trong nhà.

Theo các chuyên gia, người huyết áp cao, viêm loét dạ dày, thần kinh suy nhược, những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cũng không nên uống rượu thuốc, kể cả rượu ngâm các loài động vật quý hiếm. Ngoài ra, không nên uống rượu thuốc vào buổi sáng, tốt nhất là nên uống vào buổi tối. Nếu đàn ông thường uống rượu thuốc vào buổi sáng thì sẽ khiến dương khí bị tản làm cho người chóng già, sinh bệnh tật…

Tô Hội