Khoa học & Công nghệ

Những sai lầm khi rửa bát

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Rửa bát thế nào để loại hết vi khuẩn, giữ cho bát đĩa sạch sẽ, không tồn dưa hóa chất từ nước tẩy rửa… không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

Không rửa bát ngay sau khi ăn

Không rửa bát ngay sau khi ăn là thói quen của không ít gia đình bận rộn. Có nhiều lý do được đưa ra như không lao động sau khi ăn no, bận cho con học bài, bận xem tivi, để đó lúc nào rảnh thì làm. Có người thì cho rằng chỉ dùng có 1-2 cái bát thì chưa cần rửa vội, cứ để đấy khi nào nhiều thì rửa một thể…

Chính thói quen này khiến vi khuẩn, thậm chí là nấm mốc có thể sinh sôi, gây hại cho chính sức khỏe các thành viên trong gia đình. PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, thói quen này cực kỳ tai hại vì tạo môi trường rất thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Thức ăn thừa phân hủy, nấm mốc sinh sôi, có thể phát tán cả vào môi trường, bám vào bát đĩa, chậu rửa, vòi nước.

Ngoài ra, nhiều người “cẩn thận” hơn bằng cách ngâm bát đũa trong nước có sẵn nước rửa bát. Những chiếc nồi nấu ăn bị cháy, bị bám cặn… thường được các bà nội trợ ngâm qua đêm trong dung dịch nước rửa bát. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, thói quen này cũng cực kỳ tai hại.

Đũa, thìa, thớt bằng tre hoặc gỗ, khi đã ngâm hóa chất thì không thể nào rửa sạch hết được dù có được rửa dưới vòi nước rất lâu. Còn nồi kim loại ngâm trong nước rửa bát lâu như vậy, sẽ rất khó rửa sạch. Khi dùng để chế biến món ăn, vô hình các hóa chất này lại đi vào thức ăn. Tưởng như vậy là sạch, nhưng chính bạn lại đang rước họa cho sức khỏe của mình và gia đình.

Không vệ sinh của giẻ rửa bát

Giẻ rửa bát là vật dụng tiếp xúc với hầu hết các loại bát đĩa, nồi xong, nhưng hiếm khi được vệ sinh hay được thay thường xuyên. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bát đĩa nhiễm chéo các loại vi khuẩn, hóa chất tồn dư, nấm mốc. Các chuyên gia cho biết, tấm xốp rửa bát luôn ẩm ướt và lấm tấm các mảnh thức ăn bám dính vào.

Do đó, chúng là môi trường sinh sôi, phát triển lý tưởng dành cho các vi sinh vật chẳng hạn như Campylobacter (vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn), Salmonella (vi khuẩn khiến thực phẩm có độc tính), Staphylococcus (tụ cầu khuẩn), E. Coli (vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột) và Listeria (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm).

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, đa số các loại vi khuẩn đều bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời. Do đó, tốt nhất là phơi nắng giẻ rửa bát sau mỗi lần sử dụng và thay giẻ rửa bát thường xuyên, không dùng đến khi rách, nát, hay mủn ra rồi mới thay.

Không vệ sinh chậu rửa

Cũng giống như giẻ rửa bát, không ít gia đình quên mất vệ sinh chậu rửa bát. Thức ăn bám dính, nấm mốc, mảng bám… ở các khe kẽ của chậu rửa cũng là nguồn lây bệnh âm thầm cho sức khỏe. Để làm sạch hàng ngày, xà phòng và một miếng bọt biển hoặc giẻ mềm có thể được sử dụng để lau bồn rửa chén sạch sẽ.

Các loại nước tẩy rửa hay nước lau kính có thể dùng một ít nhưng chú ý tránh dùng ammoniac, thuốc tẩy hoặc các chất tẩy ăn mòn trên bồn rửa bằng thép không gỉ. Nên rửa sạch bồn rửa bát của gia đình mỗi khi sử dụng xong.

Bát đĩa chỉ cần khô là sạch

Đa phần các gia đình rửa bát xong, úp lên kệ cho khô là yên tâm bát đã sạch, không có nguy cơ vi khuẩn bám dính, nấm mốc phát triển. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, để tiệt trùng bát đũa thì không chỉ khô là sạch.

Nếu có điều kiện phơi bát đũa ngoài nắng thì có thể yên tâm, nhưng đa số gia đình không làm được điều này. Cách tốt nhất là hàng tuần, cho bát đũa vào trong nước đun sôi khoảng 2-5 phút rồi lấy ra để khô tự nhiên. Hoặc bạn cũng có thể sấy bát trong máy rửa bát cũng là cách diệt khuẩn an toàn.

Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn thì không nên lạm dụng nước rửa bát để làm sạch. Nước rửa bát là hóa chất, có tính bám dính, rất có hại. Nếu có điều kiện thì sử dụng các loại nước rửa bát tự chế, nước rửa bát hữu cơ. Khi rửa xong, phải tráng ít nhất 2 lần. Không nên chỉ dựa vào cảm quan, sờ vào bát thấy không còn dầu mỡ là yên tâm, mà phải tráng kỹ để hóa chất trôi hết đi, tránh những nguy cơ cho sức khỏe từ hóa chất tồn dư.

Bảo Khánh