NAGD vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều về tác dụng và những bất lợi, nên trước khi áp dụng, mọi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về tình trạng hiện tại của bản thân để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bỏ đói khơi dậy tiềm năng cơ thể?
Theo khảo sát của phóng viên Khoa học và Đời sống, có nhiều cách khác nhau để thực hiện NAGD, nhưng phổ biến nhất là 3 phương pháp gồm: 16/8, 5:2 và Eat-Stop-Eat.
16/8 là phương pháp nhịn ăn trong 16 giờ và ăn uống bình thường trong 8 giờ còn lại.
Phương pháp 5:2 là ăn uống bình thường trong 5 ngày trong tuần và giảm lượng calo đầu vào (ăn khoảng 500-600 calo) trong 2 ngày còn lại. Thực đơn bao gồm thực phẩm giàu protein và rau xanh. Phương pháp Eat-Stop-Eat là chọn một ngày trong tuần để nhịn ăn trong 24 giờ...
Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác như Warrior Diet, Alternate Day Fasting và Extended Fasting...
Nhịn ăn gián đoạn |
Đối tượng không nên NAGD
Bệnh nhân bị đái tháo đường đang được điều trị bằng thuốc; Những người có sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh lý mạn tính không nên áp dụng phương pháp này; Trẻ em chưa đủ 18 tuổi (độ tuổi phát triển); Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú; Những người gặp phải các vấn đề về dạ dày.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, trước khi bắt đầu thực hiện NAGD, mọi người nên tìm hiểu kỹ về từng phương pháp và tìm hiểu xem phương pháp nào phù hợp nhất với cơ thể và tình trạng sức khỏe của mình.
Theo BS Dư Quang Châu, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng cảm xạ, chúng ta thường ăn quá nhu cầu cơ thể và lượng dư thừa được dự trữ trong một kho chứa ở gan và các tế bào, dưới dạng mỡ và đường.
“Khi ngày nào cũng ăn dư thừa thì kho dự trữ đó sẽ đầy, đường mỡ lan ra cơ thể, vào máu và gây ra các bệnh: tiểu đường, máu nhiễm mỡ, béo phì... và đặc biệt lượng mỡ, đường dự trữ lâu trong gan sẽ bị hư, trở thành độc tố.
Gan bị nhiễm độc bởi chính các thức ăn dự trữ dư thừa này là lý do cho các chứng bệnh lũ lượt kéo tới”, BS Dư Quang Châu cho biết.
Theo vị bác sĩ này, phương pháp bỏ đói cơ thể, ăn gián đoạn 18/6 giúp khơi dậy tiềm năng cơ thể, tăng cường chuyển hóa, giảm béo, giảm mỡ, cải thiện vấn đề gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tim mạch, chống lão hóa, phòng ngừa bệnh tật, ung thư...
Không đúng cách sẽ gây hại cơ thể
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phân tích, NAGD có thể giúp giảm cân, thanh lọc cơ thể và phòng ngừa một số bệnh tật. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đặc điểm cơ thể, chế độ ăn uống và lối sống của mỗi người.
Hơn nữa, phương pháp này có thể gặp một số tác dụng phụ đối với sức khỏe nếu không thực hiện đúng cách, gồm: cảm giác đói và chóng mặt do thiếu hụt năng lượng; Thiếu chất dinh dưỡng – thiếu máu; Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh rối loạn chuyển hóa; Tăng nguy cơ suy giảm miễn dịch khi thực hiện NAGD quá mức, cơ thể trở nên yếu hơn, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng; Tăng nguy cơ rối loạn ăn uống nhất là đối với những người có tiền sử bệnh rối loạn ăn uống.
Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, không phải ai cũng phù hợp với NAGD, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh lý hoặc đang sử dụng thuốc điều trị. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu thực hiện.
Năm 2016, Giáo sư Yoshinori Oshumi người Nhật đã giành Giải Nobel Y học với công trình nghiên cứu phát hiện ra cơ chế "tự thực" của tế bào (Autophagy). Phát hiện này đã mở ra những cách hiểu mới về khả năng thích nghi với cơn đói hoặc phản ứng của cơ thể khi bị viêm nhiễm. Đó là cơ thể “tự tiêu hóa các phần tử yếu kém trong tế bào” và tiếp đó “tự sản xuất” khoảng 60-70% nhu cầu cơ thể. Thế nên ăn càng nhiều thì cơ thể phải tìm cách đẩy ra càng lớn, gan thận càng quá tải. Giải pháp cho vấn đề này đó chính là “Bỏ đói cơ thể”, hay gọi là NAGD.
NAGD thường được sử dụng trong những trường hợp: giảm cân; cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật và cải thiện độ bền của cơ thể; tăng sự tập trung và năng suất lao động; tăng độ dẻo dai và khả năng chống lại căng thẳng...