Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay là quá nhẹ khiến các trường không biết sợ nên không có nhiều tác dụng răn đe. Thậm chí có trường sẵn sàng tuyển vượt và cũng sẵn sàng chịu phạt. Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng này để siết lại kỷ cương trong tuyển sinh khi mùa tuyển sinh 2023 đang tới gần?
Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2021 là năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, dẫn đến công tác tuyển sinh cũng bị tác động, không theo quy luật nên khó dự đoán tỉ lệ nhập học.
Điều này dẫn đến số lượng cơ sở đào tạo bị xử lý tăng lên so với những năm trước, cá biệt có khối ngành số lượng chỉ tiêu các trường xác định thấp (dưới 50 chỉ tiêu) dẫn đến khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tỉ lệ lớn nhưng số tuyệt đối không nhiều.
Theo Bộ GD&ĐT, một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, mặc dù các hình thức xử phạt trong tuyển sinh đã có nhưng dường như các trường đang coi thường kỷ cương. Hệ quả của việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra không bảo đảm và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế đất nước.
Để xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, quan trọng nhất là chế tài, nếu chế tài không đúng mức, không đủ sức răn đe thì các trường sẽ coi thường, không sợ, nhờn luật.
Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ GD&ĐT, quy định của ngành về công tác tuyển sinh để tổ chức thực hiện tại đơn vị mình đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Luật số 34 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.