Mới đây nhất là bé trai 15 tuổi (Vĩnh Phúc) được người nhà đưa đi cấp cứu tại khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hết sức nguy kịch do tai nạn giao thông.
Trước đó, bé trai điều khiển xe máy, chở bạn ngồi phía sau tham gia giao thông. Vì cả hai không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ, khi gặp xe máy đi ngược chiều không kịp xử lý nên đã xảy ra tai nạn. Ngay sau tai nạn trẻ bất tỉnh còn bạn ngồi phía sau may mắn chỉ bị thương nhẹ
TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không có nhịp tự thở, đồng tử 2 bên giãn, không có phản xạ ánh sáng.
Ngay sau khi nhập viện, trẻ được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu và tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả chụp CT sọ não của trẻ cho thấy phù não lan toả 2 bán cầu hai bên. Trẻ được chẩn đoán Hôn mê sâu/Chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong rất cao.
Theo các bác sĩ, tai nạn giao thông gây ra cho nạn nhân và gia đình những hậu quả vô cùng đáng tiếc, có thể mất đi mạng sống hoặc để lại di chứng nặng nề đến sức khoẻ, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài hoặc trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn…
Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm, đặc biệt vào dịp hè, khoa tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên, học sinh nhập viện do tại nạn giao thông với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, đa phần những trẻ nhập viện thường bị thương nặng, nguy kịch, đa chấn thương, phải điều trị lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo: Cha mẹ cần phải hết sức quan tâm đến con trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên, nhất là đến tâm lý cũng như cảm xúc của trẻ, kiểm soát việc đi xe máy cũng như giáo dục cho trẻ hiểu được mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với trẻ.