Y học và đời sống

Nhiều người lớn biến chứng sởi nguy kịch vì chủ quan

  • Tác giả : Thúy Nga
Dịch sởi bùng phát mạnh, các bệnh viện đang thiết lập hệ thống sẵn sàng ứng phó. Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn mắc sởi phải thở máy, suy hô hấp ... Sởi đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.

“Có đến 40% người bệnh sởi gặp biến chứng, thường xảy ra ở người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng thường gặp của sởi như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não.... Thai phụ mắc sởi có thể bị sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ nhẹ cân...”, ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết.

Ho, sốt… phải thở máy vì sởi

Mới đây, bệnh nhân nam, 51 tuổi (Hà Nội) vào Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán: Sởi/đái tháo đường týp II – THA – hen phế quản. Dù được điều trị, sau 5 ngày, bệnh nhân khó thở tăng dần, phải đặt ống nội khí quản, thở máy, rung nhĩ rối loạn tim mạch và có nguy cơ biến chứng nặng.

Trường hợp khác, bệnh nhân nam 38 tuổi (Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh, có hút thuốc nhưng không có bệnh lý phổi, một ngày sau xuất hiện sốt nóng 39 độ, cơ thể phát ban, ho đờm, đau họng và khó thở tăng dần, suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở máy oxy khi chuyển tuyến. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân suy hô hấp cấp mức độ nặng phải hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu và ECMO.

Bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi phải thở máy tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi phải thở máy tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày trung bình Bệnh viện tiếp nhận 10-20 ca sởi. Các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, Bệnh viện đã tiếp nhận 104 ca sởi nội trú, trong đó có 48 ca nặng phải can thiệp hồi sức tích cực.

Đáng chú ý, số ca mắc ở người lớn (30-65 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi, viêm não, thậm chí phải lọc máu hoặc hỗ trợ ECMO. Đặc biệt, 75% bệnh nhân không nhớ rõ tiền sử tiêm vắcxin sởi, điều này phản ánh sự chủ quan trong phòng bệnh của cộng đồng.

ThS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến nay cả nước đã ghi nhận trên 54.000 ca sởi tại 63 tỉnh, 5 trường hợp tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, có tổng 3.799 xét nghiệm sởi dương tính. Trong đó, có 2.690 ca bệnh phải nhập viện. Số ca bệnh sởi từ tháng 1/2025 đến hết ngày 26/3/2025 là 1.894 ca, cao gần gấp đôi so với tổng số ca mắc của cả năm 2024 (796 ca).

Dịch sởi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở miền Bắc. Bộ Y tế đã đến chỉ đạo các Sở Y tế, bệnh viện đầu ngành tại trung ương và địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với dịch bệnh.

“Nhiều người chủ quan cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nhưng thực tế các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện. Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc”, PGS. TS Cường nhấn mạnh.

Vì sao bệnh sởi nguy hiểm với người lớn?

Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, lý do khiến bệnh sởi trở nên nguy hiểm ở người lớn, bởi sởi dễ bị nhầm với sốt phát ban. Sốt phát ban được xem là lành tính, bệnh nhân thường tự khỏi sau vài ngày đến 1 tuần, nhưng sởi ở người lớn có thể diễn biến nặng và nguy cơ cao dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Cần phân biệt sởi với một số bệnh có triệu chứng phát ban như: Rubella, bệnh Kawasaki, phát ban dị ứng, nhiễm enterovirus...

Đặc biệt, thời gian ủ bệnh sởi ở người lớn có xu hướng kéo dài hơn so với trẻ em, thường chỉ khi cơ thể phát ban người bệnh mới biết bản thân đã mắc sởi. Các triệu chứng bệnh sởi ở người lớn cũng thường mờ nhạt và khó phát hiện hơn so với trẻ.

Bệnh nhân biến chứng sởi nguy kịch phải dùng ECMO - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân biến chứng sởi nguy kịch phải dùng ECMO - Ảnh: BVCC

Cùng với đó, do quan niệm “chỉ trẻ em mới mắc sởi”, khiến người lớn mắc bệnh sởi thường chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cách ly, vẫn thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Từ đó, trở thành nguồn lây bệnh âm thầm, dẫn đến gia tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi trong cộng đồng.

Bệnh sởi ở người lớn thường có xu hướng diễn tiến nặng hơn so với trẻ em. Có đến 40% người bệnh sởi gặp biến chứng, thường xảy ra ở người lớn trên 20 tuổi, người suy giảm miễn dịch, người suy dinh dưỡng. Người trưởng thành mắc sởi có thể gặp biến chứng viêm màng não hoặc viêm tủy gây liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn, làm gia tăng nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc, mù lòa. Phụ nữ mang thai mắc sởi tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhẹ cân…

Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sởi ở người lớn rất quan trọng, để điều trị kịp thời và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

“Hiện điều trị bệnh sởi cho người lớn chưa có thuốc đặc hiệu. Các phương pháp điều trị sởi tập trung vào điều trị triệu chứng kết hợp chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khỏe. Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi, bệnh nhân cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời”, ThS Nguyệt nhấn mạnh.

Cách phòng tránh bệnh sởi

Để phòng ngừa bệnh sởi ở người lớn cần cách ly và hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh. Nếu tiếp xúc cần rửa tay và sát khuẩn sạch sẽ ngay sau đó. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc.

Nếu sởi bùng phát tại khu vực đang sinh sống, người dân cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đặc biệt, cần tiêm đủ vắc xin phòng sởi.

Thúy Nga