Trong nước

Nhiều công trình vi phạm PCCC ở Hà Nội do buông lỏng quản lý?

  • Tác giả : Gia Đạt
Công trình đưa vào sử dụng buộc phải có chứng chỉ PCCC, tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Vậy phải chăng công tác quản lý đang bị buông lỏng?
Trong thời gian qua, số lượng các vụ cháy, nổ trên địa bàn TP Hà Nội không ngừng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Mới đây, tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã công khai danh sách về các công trình vi phạm PCCC.
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt) và trụ sở Bộ Xây dựng (37 Lê Đại Hành) là một trong số các đơn vị trong danh sách công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Trong danh sách này, ngoài các cơ sở karaoke, kho xưởng sản xuất cũng có loạt công trình nhà cao tầng, chung cư, văn phòng… Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng có dấu hiệu "buông lỏng" trong quản lý, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và CNCH dẫn đến sai phạm?
Nhieu cong trinh vi pham PCCC o Ha Noi do buong long quan ly?
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, trong thời gian này, dưới thời tiết nắng nóng kéo dài, cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo các nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, đặc biệt là đối với những nơi không đủ điều kiện về an toàn PCCC. Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ những đối tượng nào buộc phải có chứng chỉ PCCC thì mới đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Luật sư Hùng cho hay, tại phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP liệt kê danh mục những dự án, công trình phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Ngoài việc các công trình, dự án phải đáp ứng đủ điều kiện để chuẩn bị đi vào hoạt động, thì còn phải đáp ứng các điều kiện về PCCC trong xuyên suốt quá trình. Do đó, để đảm bảo cho công tác quản lý được thực hiện hiệu quả, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra với nhiều hình thức như: định kì, thường xuyên hay đột xuất.
Nhieu cong trinh vi pham PCCC o Ha Noi do buong long quan ly?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Đối với từng trường hợp cụ thể sẽ quy định về từng hình thức khác nhau, về hình thức định kì sẽ kiểm tra từ 1 đến 2 lần trong một năm. Tuy nhiên, ngoài thời gian kiểm tra định kỳ thì các cơ sở có thể bị kiểm tra đột xuất nếu công trình vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý.
"Theo trình tự, việc kiểm tra sẽ phải thông báo với đối tượng bị kiểm tra ít nhất trước 3 ngày làm việc, theo đó việc này có thể dễ dẫn đến tình trạng chỉ khi nào nhận được thông báo có đoàn kiểm tra thì đối tượng bị kiểm tra mới chuẩn bị, khắc phục bằng các công cụ, điều kiện tạm thời để đảm bảo cơ sở an toàn khi đoàn kiểm tra đến, trong khi các ngày thường khác thì không đáp ứng được. Điều này, thể hiện sự chống đối, bất chấp an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, nhiều cơ sở cố tình hoạt động chui, không thực hiện việc xin cấp phép an toàn PCCC dẫn đến việc quản lý cực kì khó khăn.
Vì vậy, theo tôi, đối với cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra PCCC cần phải tích cực triển khai kiểm tra đột xuất đối với mọi cơ sở, công trình chứ không chỉ riêng những công trình có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, nếu các công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC nhưng vẫn hoạt động, cần xử phạt nghiêm, xem xét rút giấy phép kinh doanh, thể hiện tính răn đe, hạn chế tái phạm. Điều này sẽ đảm bảo cho việc các cơ sở, công trình tự giác tuân thủ theo quy định", luật sư Hùng nói.
Luật sư Hùng nhấn mạnh: "Đối với những trường hợp vi phạm quy định về PCCC có thể bị phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP nếu hậu quả gây thiệt hại chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, mức phạt nhẹ nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm mà gây thiệt hại cho người khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự, tùy mức độ có thể bị phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.
Bên cạnh đó, nếu địa phương nào xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, ngoài việc xử lý chủ công trình cũng cần phải truy cứu trách nhiệm để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC sai quy định có thể phải chịu hình thức kỉ luật và các hình thức khác theo quy định của đơn vị làm việc, nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định nêu trên".
>>> Xem thêm video: Hà Nội: Cháy lớn ở ngôi nhà trên phố Hàng Mã, người dân hoảng sợ

Nguồn: Lý Thùy.

Gia Đạt