Y học và đời sống

Nhiều ca bệnh bị dị vật đường ăn: Đừng chủ quan biến chứng nguy hiểm

  • Tác giả : TTƯT. BSCKII Vũ Thành Khoa,
Dị vật đường ăn là một tình trạng cấp cứu thường gặp và có mức độ nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng. Người bệnh cần đến ngay bệnh viện gần nhất để xử trí, tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.

Đủ các lứa tuổi bị dị vật thức ăn

Dị vật đường ăn là những trường hợp bị hóc, dị vật lưu tại vùng họng như cắm vào amidan, hạ họng hay khi xuống đến dạ dày và ruột, những vị trí này ít nguy hiểm hơn. Dị vật không chỉ gây tổn thương tại chỗ mà còn biến chứng đe dọa tính mạng.

Những ngày trước và sau Tết Ất Tỵ 2025, khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận liên tiếp ca bệnh bị dị vật đường ăn ở nhiều độ tuổi, tỷ lệ cao hơn cùng kỳ các năm, trong đó có những trường hợp dị vật mắc sâu trong thực quản gây nhiễm trùng, áp xe.

Dị vật đường ăn là những trường hợp bị hóc, dị vật lưu tại vùng họng như cắm vào amidan, hạ họng hay khi xuống đến dạ dày và ruột, những vị trí này ít nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, trường hợp dị vật nằm ở thực quản vùng cổ hay ngực dễ gây tổn thương tại chỗ và biến chứng nguy hiểm hơn, có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Việc người bệnh tới sớm ngay sau khi bị hóc, không cố gắng chữa mẹo cũng góp phần làm giảm các nguy cơ nặng thêm do nhiễm trùng.

Dị vật thực quản bệnh nhân H. gây áp xe thực quản - Ảnh BVCC

Dị vật thực quản bệnh nhân H. gây áp xe thực quản - Ảnh BVCC

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Hà Văn H (63 tuổi), nhập viện ngày 5/2/2025 trong tình trạng nuốt đau, nuốt nghẹn ngày thứ 3. Các bác sĩ thăm khám, chụp cắt lớp chẩn đoán bệnh nhân H. bị hóc xương gà vùng thực quản gây áp xe thực quản. Bệnh nhân đã được nội soi lấy dị vật, sau đó mở thông dạ dày nuôi dưỡng để điều trị ổn định vùng thực quản bị áp xe.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Ngô Văn M. (44 tuổi), nhập viện ngày 7/2/2025 trong tình trạng nuốt đau, nuốt nghẹn. Các bác sĩ thăm khám, chụp cắt lớp chẩn đoán bệnh nhân M. bị hóc xương gà vùng thực quản cổ ngày thứ nhất và đã được bác sĩ khoa Tai mũi họng nội soi lấy dị vật an toàn.

Hình ảnh bệnh nhân M. bị hóc xương gà vùng thực quản cổ được bác sĩ nội soi lấy ra an toàn - Ảnh BVCC

Hình ảnh bệnh nhân M. bị hóc xương gà vùng thực quản cổ được bác sĩ nội soi lấy ra an toàn - Ảnh BVCC

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhi Vũ Hà A. (3 tuổi), nhập viện ngày 8/2/2025 do bị hóc xương gà vùng thực quản cổ. Các bác sĩ khoa Tai mũi họng nội soi lấy dị vật an toàn cho bệnh nhi.

Các dấu hiệu nghĩ tới có dị vật đường ăn thường là: Người bệnh hay người nhà chứng kiến tiền sử đang ăn uống bị hóc. Biết được đang ăn uống loại gì, tính chất dị vật to bé, sắc nhọn, mềm cứng. Người bệnh nuốt đau, vướng mắc không ăn được, phải bỏ dở bữa ăn. Đa số người bệnh xác nhận được vị trí đau, mắc dị vật.

Tuy nhiên, có một số không nhỏ không xác định được thời điểm bị hóc, vô tình nên không biết bị hóc cái gì, điểm đau có thể không tương xứng vị trí có dị vật.

Hình ảnh bệnh nhi 3 tuổi bị hóc xương vùng thực quản cổ - Ảnh BVCC

Hình ảnh bệnh nhi 3 tuổi bị hóc xương vùng thực quản cổ - Ảnh BVCC

Biến chứng thường gặp trong dị vật đường ăn

Dị vật để lâu, nhất là những người bệnh có bệnh nền phức tạp có thể chuyển nặng, gây các biến chứng nguy hiểm. Dị vật cắm vào thành thực quản làm xây xát niêm mạc thực quản hoặc thủng thành thực quản, nếu dị vật là xương lẫn thịt thì nhiễm khuẩn càng mạnh.

Sau 1-2 ngày bị hóc, các triệu chứng nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng dần, đến nỗi bệnh nhân không nuốt được, kể cả nước. Dấu hiệu nhiễm trùng rõ và tăng dần. Sờ nắn có điểm đau khu trú, dấu hiệu chạm sụn khí quản vào cột sống giảm hay mất.

Thường tổn thương ở niêm mạc thực quản, khi lan rộng ra xung quanh thực quản bị viêm thì triệu chứng nặng dần và gây những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong, nhất là bệnh nhân có bệnh lý nền phức tạp như: Viêm tấy quanh thực quản cổ; viêm trung thất, viêm màng phổi mủ, thủng mạch máu lớn...

Cách giải quyết khi có bị hóc?

Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng để lấy dị vật càng sớm càng tốt tránh các biến chứng có thể xảy ra.

- Dị vật hạ họng có thể nội soi tại phòng khám lấy dị vật nhẹ nhàng không cần kháng sinh sau đó.

- Dị vật xuống sâu đoạn thực quản - dạ dày phải nhập viện: Soi thực quản ống mềm khi dị vật nhỏ, không sắc nhọn. Soi thực quản ống cứng: Bệnh nhân được gây mê, soi ống cứng theo đường miệng vào thực quản dạ dày kiểm soát toàn bộ đường ăn để lấy xương an toàn.

Khi dị vật gây biến chứng, ngoài vấn đề phẫu thuật để lấy dị vật, các bác sĩ sẽ đánh giá tổng thể bệnh nhân điều trị kháng sinh, giảm viêm, bồi phụ nước, điện giải, nâng cao thể trạng đảm bảo an toàn khi gây mê để lấy dị vật.

Phòng tránh dị vật thế nào?

Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người không nên ăn uống vội vàng. Không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, không nên uống rượu nhắm đồ ăn có lẫn xương.

Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn.

Khi bị hóc không nên chữa mẹo, cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng.

TTƯT. BSCKII Vũ Thành Khoa, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh

TTƯT. BSCKII Vũ Thành Khoa,