Hỏng thai do đường huyết quá cao
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường (ĐTĐ), Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 37 tuổi nhập viện cấp cứu vì tăng đường huyết có nhiễm toan ceton. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân đã được chẩn đoán ĐTĐ cách đây 2 năm và được cho điều trị bằng thuốc, nhưng khi có thai, chị đã tự ngừng thuốc. Cách đây 3 tuần, bệnh nhân có buồn nôn và mệt nhiều, nghĩ là do nghén nên không đi khám. Bệnh nhân vào viện khi có dấu hiệu của hôn mê.
Khi vào viện, bệnh nhân có đường máu cao trên 20mmol/l (gấp 4 lần bình thường), toan hóa máu nặng, HbA1C 8,7%. Siêu âm thì không thấy có thai trong buồng tử cung và xét nghiệm β-hCG rất thấp. Bệnh nhân đã bị hỏng thai do đường huyết quá cao.
Phụ nữ mang thai cần quản lý tốt glucose máu. |
PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh ĐTĐ. Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate.
Nguy cơ của ĐTĐ thai kỳ cho mẹ và thai nhi là rất lớn, ngay cả khi mẹ chưa nhiễm toan ceton. Với mẹ: Làm nặng thêm một số thể loại bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu (đây cũng là nguyên nhân gây đẻ non hoặc nhiễm độc thai nghén)... Với thai: Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh (tỷ lệ dị tật ở thai nhi có mẹ bị ĐTĐ là 6 - 12% so với 2% ở thai nhi có mẹ không mắc bệnh ĐTĐ), gây suy hô hấp, nặng hơn là gây rối loạn chuyển hóa sơ sinh như hạ đường huyết, hạ canxi máu, đa hồng cầu...
Kiểm soát tốt mức glucose máu trong thai kỳ sẽ làm giảm phân nửa các yếu tố nguy cơ cho thai nhi như tăng cân gây thai to, thai khổng lồ, gây suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh, chậm phát triển ở bộ máy hô hấp (chủ yếu ở phổi). Nếu lượng glucose trong máu mẹ tăng cao cũng làm tăng glucose máu thai nhi. Glucose máu và các chất dinh dưỡng khác của mẹ kích thích tụy thai nhi phát triển, gây hậu quả bài tiết và thậm chí cả tăng bài tiết insulin vào máu gây quá sản tế bào. Cả hai hiện tượng dinh dưỡng quá mức của thai lẫn tình trạng tăng insulin máu đều làm tỷ lệ thai chết lưu tăng lên ở người mẹ mắc bệnh ĐTĐ.
Chỉ nên có thai khi đã điều trị ĐTĐ ổn định
Việc duy trì nồng độ glucose trong suốt thời kỳ mang thai là rất khó. Trong 3 tháng đầu, nguy cơ hạ glucose máu luôn thường trực ở mỗi người, đặc biệt là ban đêm. Ngược lại ở 3 tháng cuối thai kỳ, khi lượng insulin cần thiết có thể tăng 50 – 100% thì dễ xảy ra nhiễm toan ceton nhất. Lúc này lượng insulin cần gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với liều thông thường dùng cho sản phụ.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, TS.BS Nguyễn Quang Bảy khuyên, các bệnh nhân ĐTĐ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên sử dụng thuốc tránh thai cho đến khi điều trị ổn định, HbA1C tối ưu hãy nên có thai; Trước khi có thai, các phụ nữ mắc ĐTĐ nên kiểm soát đường huyết càng gần bình thường càng tốt, lý tưởng là HbA1C < 6,5% để giảm thiểu các nguy cơ thai bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, thai to hay xảy thai... Các phụ nữ mắc ĐTĐ chuẩn bị có thai cần được quản lý bởi 1 nhóm các thầy thuốc gồm bác sĩ nội tiết, bác sĩ sản khoa, chuyên gia dinh dưỡng... Và tất nhiên khi biết có thai phải đi khám bác sĩ nội tiết ngay, không được tự bỏ thuốc ĐTĐ.
Trong thời gian mang thai nếu thấy: Mệt mỏi, nhìn mờ, ý thức mơ màng; Buồn nôn, nôn ói, đau bụng; Khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều; Sụt cân; Glucose máu > 13,9mmol/l (> 250mg/dl) khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân; Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp; Có dấu hiệu mất nước: Môi khô, lưỡi khô, da khô nặng; Nhịp thở có 4 thì: Hít vào - ngừng thở - thở ra - ngừng thở, hơi thở có mùi ceton (mùi táo chín)... là biểu hiện của nhiễm toan ceton cần đi cấp cứu ngay.