Bé Nguyễn Thùy Anh (8 tuổi, Hà Nội) mấy tháng nay rất hay bị đau bụng, nhất là khi ăn xong bé hay bị nôn trớ kiểu trào ngược thức ăn. Gia đình cho bé đi khám, nội soi dạ dày thì thấy, bé bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày và dương tính với vi khuẩn H. pylori. Thăm hỏi tiền sử gia đình thì được biết, mẹ cháu bị viêm dạ dày, dương tính với vi khuẩn H. pylori nhưng gia đình vẫn dùng chung bát đũa.
Lời bàn: TS Nguyễn Thị Út, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện nay, tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng (mỗi tháng Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận khoảng 300 trẻ), trong đó, tình trạng trẻ em bị viêm dạ dày tiên phát do nhiễm H.pylori là chủ yếu.
Vi khuẩn H. pylori được lây truyền qua đường ăn uống, phân miệng hoặc miệng miệng. Trẻ có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn trong gia đình như ông bà, bố mẹ, hoặc bạn bè… Việc ăn chung, uống chung, dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa cốc, bát đũa là ngay cơ làm lây nhiễm vi khuẩn.
Vì vậy, để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H. pylori cần: Tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn H. pylori; Không nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ; Ăn chín uống sôi; Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đai tiện; Tránh ngủ chung nhiều người trên một giường đặc biệt với những người đã biết có nhiễm H. pylori hoặc bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.