KINH TẾ

Nhập cuộc muộn, Mobile Money muốn cạnh tranh từ nông thôn

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Mô hình Mobile Money có thể sẽ được cấp phép ở nước ta trong năm 2020. Gia nhập thị trường khi hệ thống ngân hàng đã phát triển khá mạnh, ví điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến, nhiều ý kiến đã nghi ngờ khả năng cạnh tranh của mô hình này.

Trên thế giới, những thị trường hiện đang phát triển mạnh về Mobile Money đều là các nước chậm phát triển, khi mạng lưới ngân hàng còn kém, chưa số hóa, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng vụ Thanh toán NHNN, cho đến cuối năm 2019, số người Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng đã đạt đến 43 triệu, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, ví điện tử cũng đang được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam. Nhiều ví điện tử đã tạo được thương hiệu lớn, chiếm lĩnh thị trường như Moca, Payoo, MoMo, Airpay, Zalopay. Nhiều ví điện tử đã liên kết và sở hữu lượng khách hàng lớn của các nhà băng, như MoMo đến cuối năm ngoái đã sở hữu 13 triệu khách hàng. Nhiều ngân hàng hiện cũng đã tiến hành cung cấp dịch vụ ví điện tử tới khách hàng.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng, thời điểm gia nhập của Mobile Money là quá muộn, vì thế sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của mô hình này.

Về bản chất, Mobile Money không khác ví điện tử bao nhiêu, thậm chí hạn mức thanh toán còn thấp hơn ví điện tử, nên khó tạo ra một cơn sốt về thanh toán. Điểm khác của Mobile Money với ví điện tử là không phải liên kết với ngân hàng. Tuy nhiên, việc nạp tiền phải được thực hiện từ tài khoản ngân hàng hoặc tại các điểm giao dịch của nhà mạng.

Hiện tại, ở Việt Nam, gần 40% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hơn 90% giao dịch giá trị nhỏ dưới 100.000đ hiện vẫn dùng tiền mặt. Theo đó, Mobile Money sẽ khoanh vùng đối tượng, tập trung vào khách hàng vùng sâu, vùng xa, nông thôn, chi tiêu nhỏ lẻ - những đối tượng mà ngân hàng và ví điện tử chưa “vươn” tới.

Vì vậy, sự bổ sung của Mobile Money là cần thiết để bù đắp khoảng trống thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Mobile Money xuất hiện sẽ góp phần tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt… cũng chính là tạo lớp khách hàng tương lai cho ngân hàng, ví điện tử.

“Về cơ bản, Mobile Money ra đời sẽ có cạnh tranh với ngân hàng và ví điện tử, nhưng trên tinh thần vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, trong đó việc hợp tác phát triển dịch vụ sẽ nhiều hơn”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, nhận định

Minh Lâm