Hỏi: Tôi 40 tuổi, từ lúc trẻ đến giờ tôi không đau ốm nên rất ít đi khám. Mới đây cơ quan tôi tổ chức cho anh chị em khám sức khỏe tổng quát và tôi có tham gia. Thật không ngờ bác sĩ nói, tôi mắc tiền đái tháo đường, đường huyết lúc đói 6,5mmol/l. Bác sĩ bảo nếu không tầm soát bệnh sớm tôi có nguy cơ bị tiểu đường và tim mạch. Không biết chẩn đoán vậy có chính xác không vì tôi không thấy đổ mồ hôi, không sút cân, ăn uống vẫn bình thường.
Thanh Hòa (Hải Phòng)
Biến chứng loét bàn chân ở người đái tháo đường.
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa: Tiền đái tháo đường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, chỉ có thể xác định qua các xét nghiệm. Các dấu hiệu mà bạn nói như sút cân, uống nước nhiều vẫn khát, đổ mồ hôi, mệt mỏi là dấu hiệu muộn của bệnh tiểu đường.
Qua thăm khám nhiều bệnh nhân chúng tôi thấy, ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường, người bệnh đã có thể bị biến chứng tim mạch nên việc phát hiện sớm, điều trị sớm đem lại hiệu quả cao.
Thời gian tiến triển từ tiền đái tháo đường thành tiểu đường trung bình từ 6 tháng đến 3 năm. Hậu quả của tiểu đường rất nặng nề: biến chứng tim mạch, mù mắt, cụt chi…
Cách duy nhất để phát hiện tiền đái tháo đường là xét nghiệm đường máu. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người được chẩn đoán mắc tiền đái tháo đường nếu có mức đường huyết lúc đói từ 6,1 – 6,9mmol/l hoặc đường huyết đo sau 2 tiếng uống 75g đường từ 7,8 – 11,0mmol/l.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này là người trên 40 tuổi, ít vận động, huyết áp trên 130/80mmHg, tiền sử gia đình có người bị tiểu đường tuýp 2, phụ nữ sinh con nặng hơn 3,6kg, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân…
Nên lưu ý tỷ lệ người bị biến chứng tim mạch ở giai đoạn tiền đái tháo đường không kém giai đoạn tiểu đường nhưng bệnh nhân tiểu đường còn biết để phòng tránh, bệnh nhân mắc tiền đái tháo đường thường không biết mình bị bệnh nên tình trạng bệnh còn nguy hiểm hơn.
PV (ghi)