Khoa học & Công nghệ

Nhận biết cây cảnh giả

Không chỉ là gắn quả, hoa bằng keo để đánh lừa người mua, năm nay, những chiêu trò làm giả cây cảnh tinh vi hơn nhiều. Cây bị thay cành, đổi gốc, bọc cây to đã chết dưới cái vỏ cây sống… khiến nhiều người phải ngậm đắng vì mắc lừa.

Làm giả bằng nhiều cách

Nhu cầu mua cây cảnh về trang hoàng nhà cửa tăng cao vào dịp sát Tết. Thị trường cây cảnh cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn ngày thường, giá cả cũng tăng cao hơn. Lợi dụng nhu cầu này, một số tiểu thương đã sử dụng những chiêu trò làm giả tinh vi để bán hàng.

Ông Nguyễn Đức Huy (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) mới mua được một cây sung sai trĩu quả. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, quả sung thâm đen và thối dần, dù vỏ vẫn còn xanh chứ không phải sung chín. Kiểm tra kỹ ở cuống quả thì ông phát hiện những chùm sung sai lúc lỉu được người bán gắn keo vào.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cay-canh-gia1.jpg

Cảnh giác với cây cảnh giả.

Ông Vương Xuân Nguyên, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, càng ngày những chiêu trò làm giả cây cảnh càng trở nên tinh vi. Có những cây mới đánh lên, đã bị cắt hết rễ, hoặc bị chiết non rồi cắt tỉa lại cành rồi cắm vào chậu, chêm nện gốc cho chắc chắn rồi đem bán. Cây mua về chỉ hôm trước hôm sau là héo rũ.

Đặc biệt là vào dịp giáp Tết, những cây cảnh giả xuất hiện ngày càng nhiều. Với cây mai, thương nhân có chiêu làm giả rất tinh vi là dùng vỏ của cây mai to đã bị chết bọc vào cây mai nhỏ còn sống, rồi sơn phết, bọc đất cẩn thận, cắt tỉa trông đẹp mắt để lừa người mua và bán với giá khoảng vài trăm ngàn đến 1 – 2 triệu đồng/cây.

Nếu không quan sát kỹ, người mua rất dễ bị lừa. Ở những loại keo đính quả, kẻ gian sử dụng màu keo giống như màu nhựa cây, nên nhiều khi chính những chuyên gia cây cảnh cũng bị lừa.

Theo ông Vương Xuân Nguyên, hoa hải đường, hoa trà và lộc vừng là những loại cây được làm giả nhiều nhất, đặc biệt là hải đường trồng trong chậu bán sẵn. Để trồng một chậu cây ra hoa, đòi hỏi rất nhiều công sức, giá thành vì thế cũng cao. Bởi thế, những loại cây cảnh giả thường có giá thành rẻ hơn nhiều cây cảnh thật.

“Nhận biết cây không có rễ, người mua nên ấn vào phần gốc cây đồng thời nhìn lá non ở ngọn. Nếu lá héo từ trên xuống, ngọn không thẳng mà nghiêng ngả chứng tỏ cây thiếu nước từ gốc, đây chính là cây ghép từ cành thật với gốc giả”.

Ông Vương Xuân Nguyên

Tinh ý nhận biết cây giả

ThS Trần Quỳnh Anh, Trung tâm Nghiên cứu Hoa, Cây cảnh, Viện Rau quả cho hay, dù chiêu trò làm giả có tinh vi thế nào cũng có thể phát hiện nếu tinh ý. Có thể thấy sự bất thường trên một cây sung, cây hải đường, hoa mai… dựa trên các đặc điểm tự nhiên của từng loài.

Đối với một cây sung cảnh bonsai mà có quả lúc lỉu bện từ gốc đến ngọn là rất hiếm. Nuôi nấng được một cây như vậy thì những người chơi cũng phải mất từ 20 năm trở lên, giá bán phải 5 – 10 triệu đồng/cây. Cây lộc vừng giá cũng tương đương vậy.

Cây khế, cây đu đủ rất khó để có thể trồng được một gốc cây bé tí mà quả mọc chi chít từ gốc đến ngọn. Đu đủ phải có quả non, quả già chứ không có chuyện xanh đều. Mà nếu có trồng được thì giá cây này cũng rất đắt, ít nhất cũng tầm 2 – 2,5 triệu đồng/cây.

“Những gốc mai to tương đương những cây mai của người bán dạo, người trồng phải mất 5 – 6 năm chăm sóc, giá bán ra cũng khoảng 4 – 6 triệu đồng/cây. Gốc mai càng lớn thì cành cũng lớn tương đương, nếu có cắt tỉa tỉ mỉ thì vẫn có những mấu nhô ra khỏi thân cây. Nếu thân cây to mà cành được cắm vào theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” thì ắt hẳn là mai rởm. Mai thật bao giờ cũng có rễ nổi lên mọc lan gần gốc cây, mai giả thì ngược lại”, ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ.

Theo các chuyên gia, người mua cây cảnh cần phải hiểu biết cơ bản về các loại cây cảnh để nhìn nhận một cách chính xác. Thông thường, mỗi loại cây có những đặc điểm nhận biết riêng về hình thái, những cây bất thường có quá nhiều quả hay hoa, gốc quá to mà cành lại nhỏ, thân vỏ xù xì kiểu nhân tạo… thì phải cảnh giác, xem xét kỹ trước khi mua. Tốt nhất là mua của những nhà vườn, cửa hàng có địa chỉ uy tín thay vì mua ở các xe hàng rong.

Bảo Khánh