Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là ngôi nhà chung của “3 Nhà” quản trị - khoa học - báo chí, có nhiệm vụ tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực nhằm góp phần phát triển đất nước.
Với gần 600 đơn vị khoa học và công nghệ cùng gần 70 cơ quan báo chí, trong đó có Báo Tri thức và Cuộc sống, Nhà xuất bản Tri thức, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Vifotec…, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là ngôi nhà chung của “3 Nhà” quản trị - khoa học - báo chí, có nhiệm vụ tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực nhằm góp phần phát triển đất nước.
- Thưa TSKH Phan Xuân Dũng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA) không chỉ là mái nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN, mà còn được biết đến là nơi có nhiều nhà quản trị, nhà báo trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay?
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã trở thành chân lý, là truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc ta. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhân tài, đầu tư cho Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Xây dựng đất nước phải dựa và bằng KH&CN.
Ngày 18/5/1985, tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ: “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, tri thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước đã và đang quan tâm, có nhiều chính sách thúc đẩy KH&CN. Gần nhất, ngày 11/1/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 69-KL/TW về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Trước đó, ngày 24/11/2023, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 45/NQ-TW về “tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật để tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức.
Đây chính là nền tảng quan trọng, động lực mạnh mẽ để đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành KH&CN nói riêng và đất nước nói chung.
Từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập ngày 26/3/1983, đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, kinh tế - xã hội, ổn định tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, đội ngũ trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam cùng đội ngũ trí thức KH&CN cả nước đã đoàn kết, đoàn kết lại càng đại đoàn kết hơn, đã thành công, để thành công lại càng thành công hơn; thực hiện lời căn dặn của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 24/3/2023, nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ kính yêu đến dự và phát biểu với đội ngũ trí thức Việt Nam tại Đại hội Hội phổ biến KH&KT Việt Nam lần thứ nhất (18/5/1963): “Trí thức Việt Nam là những người làm hưng thịnh cho đất nước, làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi”.
Hiện tại, Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức lớn mạnh, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, đã tập hợp được 156 hội thành viên, gồm 93 hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức (chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước); thành lập hơn 500 tổ chức KH&CN trực thuộc, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Vifotec, Nhà xuất bản Tri thức và Báo Tri thức và Cuộc sống.
Như vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam không chỉ là mái nhà của riêng đội ngũ trí thức KH&CN, mà còn có sự tham gia của các “chân kiềng” vững chắc khác. Riêng lĩnh vực báo chí truyền thông - xuất bản, VUSTA có gần 70 cơ quan báo, tạp chí, trong đó có Báo Tri thức và Cuộc sống.
Điều đáng nói, nhiều nhà khoa học tài năng vừa là nhà quản trị, vừa là nhà báo trong đơn vị, tổ chức. Theo “tôn chỉ, mục đích” của mình, họ đã và đang có những đóng góp lớn, hiệu quả cho VUSTA, đồng thời thúc đẩy sự phát triển trên tất cả lĩnh vực đời sống của đất nước.
- Thực tế ở VUSTA nói riêng và cả nước nói chung cho thấy, nhiều nhà khoa học làm báo và mỗi nhà báo phải là “một người làm khoa học”. Việc quản trị, vận hành hiệu quả tổ chức uy tín có cả “3 nhà trong 1” chắc chắn không chỉ có những thuận lợi, thưa ông?
Tại Liên hiệp Hội Việt Nam, đội ngũ trí thức KH&CN, đặc biệt là từ các nhà khoa học đang ngày đêm hăng say cống hiến, trong đó có “mặt trận” tư tưởng, văn hoá, thông tin. Họ cộng tác với các báo, tạp chí của VUSTA, cũng như nhiều đơn vị truyền thông, nhằm mục đích phổ biến kiến thức, nghiên cứu, sáng chế KH&CN của bản thân, đồng nghiệp, tổ chức… đến quảng đại quần chúng Nhân dân, phục vụ cộng đồng.
Với tư cách là nhà báo, họ không chỉ viết về KH&CN ở mức phản ánh, mà mỗi cây viết phải như một người làm "khoa học". Những bài báo, trang báo về KH&CN chính là bản dịch từ ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ của cuộc sống.
Qua quá trình tác nghiệp “bút sắc, lòng trong”, các nhà báo biến những kết quả nghiên cứu, công trình khoa học sang ngôn ngữ đời thường, mang đậm hơi thở của thường nhật, phổ biến rộng rãi “vì Nhân dân phục vụ”.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tự hào có hệ thống cơ quan báo chí truyền thông - xuất bản thể hiện rất đa dạng, phong phú tiếng nói của đội ngũ trí thức, kịp thời phổ biến kiến thức khoa học bổ ích, sẵn sàng lên tiếng đấu tranh với những cái xấu, sai phạm, phản biện xã hội trên tinh thần xây dựng, đúng với phương châm “Tri thức là sức mạnh”.
Trong khi đó, ở một “trụ cột” khác, vai trò “nhà quản trị” thể hiện không chỉ ở VUSTA, mà ngay các cơ quan, đơn vị trực thuộc, trong đó có cả toà soạn báo, tạp chí.
Trong thời đại công nghệ 4.0, lãnh đạo cơ quan báo chí, nếu quản trị đơn vị không tốt, sẽ bị tụt lại phía sau, bạn đọc xa lánh. Vì thế, ngay trong một tòa soạn đã đòi hỏi phải có 3 trụ cột quản trị - khoa học - báo chí. Mối quan hệ giữa “3 nhà” là biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy nhau phát triển.
Nhìn rộng hơn, quản trị, phát triển một tổ chức với nhiều nhà khoa học, các nhà báo sắc sảo, năng động… như ở VUSTA, là cả một thách thức, đòi hỏi có tinh thần đoàn kết, dân chủ, thượng tôn pháp luật, yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải một cá nhân làm được.
- Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa khoa học với báo chí truyền thông trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thưa Chủ tịch?
Trước đây, một số nhà nghiên cứu về truyền thông KH&CN trên thế giới đã sử dụng các cụm từ ẩn dụ để chỉ mối quan hệ giữa khoa học và truyền thông như “khoảng cách”, “rào cản”. Thậm chí, nhà khoa học Mỹ McCall, R.D từng ví von rằng, khoa học và báo chí không khác gì “dầu” và “nước”. Hai lĩnh vực này gần nhau mà khó hòa quyện.
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, báo chí truyền thông có mối quan hệ chặt chẽ với KH&CN, được đánh giá là một trong ba trụ cột của lĩnh vực KH&CN. Chính nhờ báo chí truyền thông, thông tin KH&CN được phổ biến rộng rãi, len lỏi vào đời sống xã hội. Điều này cũng đã được không ít nhà khoa học khẳng định.
Tiến sĩ Myrtani Pieri (Đại học Cyprus, Cộng hòa Síp), người từng đoạt giải nhất cuộc thi truyền thông khoa học quốc tế FameLab năm 2011, nói: “Truyền thông là trái tim của khoa học, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc công bố kiến thức mới và truyền bá tri thức đến các nhà khoa học, phổ biến ra xã hội”.
Trong khi đó, David Dickson - người sáng lập mạng lưới khoa học và phát triển SciDev.Net - khẳng định: “Truyền thông là cầu nối quan trọng giữa việc tạo ra tri thức mới và ứng dụng các tri thức này vào thực tiễn và chính sách”.
Thông qua báo chí truyền thông, những nghiên cứu, thử nghiệm và khả năng đóng góp của KH&CN được xã hội biết đến nhiều hơn. Từ đó, nó sẽ đem lại cơ hội cho nhà KH&CN nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ đầu tư tốt hơn.
Đặc biệt, các công trình và kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển tới nhà hoạch định chính sách, góp phần lấp đầy khoảng cách giữa tri thức với ứng dụng tri thức, ứng dụng KH&CN phát triển xã hội.
Chính vì tầm quan trọng và mối quan hệ tác động qua lại không thể tách rời, tại nhiều nước phát triển như Pháp, Đức Anh…, ngoài trung tâm truyền thông KH&CN, họ còn thiết lập những hiệp hội để nhà báo, nhà khoa học cùng làm việc, hiểu về nhau hơn.
Thậm chí, nhà khoa học được đào tạo về kỹ năng truyền thông không chỉ qua bài giảng, mà còn là hình thức hội thảo, hội nghị, tình nguyện viên hướng dẫn trong bảo tàng khoa học hoặc tổ chức những chuyến tham quan, giới thiệu về phòng thí nghiệm, công trình nghiên cứu…
- Với một tổ chức lớn như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, mối quan hệ biện chứng giữa quản trị - khoa học - báo chí truyền thông - được thể hiện như thế nào, thưa TSKH Phan Xuân Dũng?
Trong các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nội dung cơ bản. Thời gian qua, mỗi năm, Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai 500 - 600 nhiệm vụ; 5 năm qua đã tư vấn, phản biện khoảng 3.000 nhiệm vụ.
Các nhiệm vụ tập trung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng, dự án đầu tư trọng điểm; những vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN.
Đây là kênh quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc lấy ý kiến để quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc. Liên hiệp Hội từ Trung ương tới tỉnh, thành là cầu nối tin tưởng giữa trí thức với Đảng, Nhà nước.
Ngoài việc quản trị tốt để tổ chức công việc khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của báo chí rất quan trọng. Đó là “cánh tay nối dài” đưa tiếng nói của giới trí thức phản biện những vấn đề nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận, với mục đích lành mạnh hoá xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Thông qua báo chí, tiếng nói của trí thức VUSTA lan toả hơn, tác động tích cực đến cơ quan, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân.
Gần 70 cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản, với tôn chỉ, mục đích của mình, đưa những sáng chế khoa học cụ thể phổ biến đến rộng rãi Nhân dân để thay đổi cuộc sống, tôn vinh nhà khoa học, lan toả lối sống đẹp, việc làm tích cực, ý nghĩa, vì cộng đồng…
Điều đó cũng được thể hiện ở công tác chuẩn bị cho sự kiện Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 của VUSTA. Trong đó, các cơ quan báo chí, xuất bản đã và đang có những đóng góp cụ thể, thiết thực, đồng hành cùng Ban tổ chức để tôn vinh nhà khoa học có nhiều đóng góp cho xã hội.
Ở chiều ngược lại, với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học xuất sắc, trong môi trường KH&CN hàng đầu, các nhà báo, cơ quan báo chí cũng phải “nâng mình lên” để xứng đáng là tiếng nói của đội ngũ trí thức nước nhà, diễn đàn của Nhân dân.
- Hiện nay, ở đâu đó vẫn còn ít nhiều rào cản giữa nhà quản trị, nhà khoa học, nhà báo. Giải pháp nào để mối liên kết quản trị - khoa học - báo chí truyền thông - hiệu quả hơn nữa, thưa ông?
Trong thời đại công nghệ thông tin, mối quan hệ giữa quản trị - khoa học - báo chí truyền thông rất chặt chẽ, không thể tách rời.
Có thể nói, nhà báo và nhà khoa học có điểm chung là đi tìm sự thật và đều xuất phát từ công chúng, phục vụ công chúng. Song, điểm khác nhau là nhà khoa học đi sâu vào những vấn đề chi tiết, còn nhà báo, nhà truyền thông thiên về thông tin thời sự phổ quát, đại chúng.
Phải thừa nhận hiện nay, một bộ phận nhà khoa học không thích xuất hiện trên báo chí, không muốn truyền thông về công trình nghiên cứu, việc làm của mình. Không ít nhà quản trị cũng ngại xuất hiện hay né tránh cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là với những vấn đề mang tính phản biện. Tuy nhiên, ở thời đại hội nhập - hợp tác - phát triển ngày nay, tư duy này cần thay đổi.
Để “3 nhà” thành một khối tương hỗ thống nhất và vững chắc, các giải pháp như thành lập liên minh khoa học và truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác truyền thông, cải thiện kỹ năng viết cho nhà báo thông qua những khoá đào tạo nghiệp vụ… hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tế.
Ý thức được tầm quan trọng của việc này, tháng 9/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo "Nâng cao năng lực truyền thông và phổ biến kiến thức cho các hội ngành toàn quốc".
Trong 5 năm qua, VUSTA và các tổ chức thành viên tổ chức khoảng 40.000 hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho khoảng 13 triệu lượt người tham gia ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền trên cả nước.
Thông qua những chương trình này, các nhà khoa học thuộc VUSTA đã bền bỉ, thường xuyên, liên tục cung cấp, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật của nhiều ngành nghề, lĩnh vực cho người dân, góp phần cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên còn triển khai những mô hình truyền thông, phổ biến kiến thức thông qua các tổ chức cộng đồng mang lại hiệu quả cao như: Mô hình tuyên truyền và phố biến kiến thức dựa vào cộng đồng - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Sách hóa nông thôn Việt Nam…
Chính hệ thống báo chí, xuất bản chuyên ngành, đa dạng đã giúp hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN của VUSTA diễn ra hiệu quả ở khắp các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân, chăm lo sức khỏe cộng đồng, nâng cao dân trí...
Sự liên kết hiệu quả giữa nhà quản trị - nhà khoa học - nhà báo rõ ràng đã mang lại hiệu quả trong hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, mà mục đích hướng tới không gì khác ngoài vì một VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG, sánh vai với các nước mạnh trên trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn TSKH Phan Xuân Dũng.
ĐỨC ANH (THỰC HIỆN)