KINH TẾ

Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo về tay “nhóm chủ” Trung Quốc?

  • Tác giả : Minh Quang
(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo. Nhưng chỉ sau 03 năm, kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đã thâu tóm xong doanh nghiệp này.

Xin được dự án và rút lui

Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong có quy mô 38ha, được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2017 tổng vốn đầu tư 794 tỷ đồng. Dự án này có công suất 30MWp và đến nay đã được đóng điện.

Tìm hiểu cho thấy, Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo được thành lập vào tháng 12/2016, trước thời điểm UBND tỉnh Bình Thuận chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 4 tháng.

Về cơ cấu cổ đông, ban đầu doanh nghiệp này gồm toàn các cổ đông “thuần Việt”. Thời điểm mới thành lập Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo có vốn điều lệ là 360 tỷ đồng, do 3 cổ đông góp vốn thành lập, chưa thấy nguồn vốn từ nước ngoài. Trong đó, Công ty CP Điện mặt trời Việt Nam (ngõ 192, Thái Thịnh, phường Láng Hạ, Hà Nội) đăng ký góp 188,1 tỷ đồng sở hữu 52,25% cổ phần; Công ty CP đầu tư và công nghệ HC Toàn Cầu (tầng 08 toà nhà H.L Tower, lô A28 đường Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đăng ký góp 153,9 tỷ đồng tương đương 42,75% cổ phần và cá nhân Đặng Hồng Sơn góp 18 tỷ đồng tương đương 5% cổ phần. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này ban đầu là ông Hà Duy Lợi (SN 1958) đảm nhiệm.

Tuy nhiên, đến tháng 05/2017 tức là chỉ sau khoảng 6 tháng thành lập, cơ cấu sở hữu của các cổ đông tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo đã thay đổi mạnh. Vốn điều lệ lúc này giảm đi một nửa chỉ còn 180 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Điện mặt trời Việt Nam đã thoái hoàn toàn vốn, Công ty CP đầu tư và công nghệ HC Toàn Cầu chỉ còn nắm giữ 1% cổ phần và cá nhân ông Đặng Hồng Sơn tiếp tục duy trì mức sở hữu 5% cổ phần.

Bên cạnh đó, ông Hà Duy Lợi cũng đã không còn làm Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo mà thay vào đó là ông Lê Trọng Huy (SN 1981). Lưu ý rằng, ông Hà Duy Lợi cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Điện mặt trời Việt Nam còn ông Lê Trọng Huy cũng là Tổng Giám đốc của Công ty CP đầu tư và công nghệ HC Toàn Cầu.

Những biến động tiếp tục được thực hiện khi tới ngày 07/09/2018, cả Công ty CP Điện mặt trời Việt Nam và cá nhân ông Đặng Hồng Sơn đều đã thoái hoàn toàn vốn tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo, trong khi đó Công ty CP đầu tư và công nghệ HC Toàn Cầu chỉ còn nắm giữ 0,5% cổ phần.

Vậy lúc này, 99,5% cổ phần còn lại của Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo đã thuộc về nhóm cổ đông nào?

Tới thời điểm đăng ký thay đổi ngày 25/12/2018 đã dần thấy rõ sự “thay ruột” tại Công ty CP Điện mặt trời khi ông Lê Trọng Huy không còn là Chủ tịch HĐQT nữa mà vị trí này đã được nhường lại cho một cá nhân có quốc tịch Trung Quốc là ông ZHOU YAN FENG (Sinh năm 1973).

Tuy nhiên, gần 2 năm sau, đến ngày 08/06/2020, Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo mới đăng ký thay đổi có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế đặt trụ sở chính tại VP 04, tầng 4, 185 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Trong đó, Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo Quốc tế đã sở hữu 99,4% cổ phần tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo.

Lúc này người đại diện theo pháp luật giữ chức danh Tổng Giám đốc tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo cũng đến từ Trung Quốc là ông WANG SHQUAN (SN 1967), thành viên HĐQT có thêm ông FANG XIANFENG (SN 1966).

Như vậy có thể thấy, dòng vốn tại Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo thực chất lúc này đã về tay nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.

Ảnh minh hoạ - nguồn internet.

Ảnh minh hoạ - nguồn internet.

Những cuộc thoái vốn gấp rút đầy toan tính

Tìm hiểu cho thấy, Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế cũng mới thành lập ngày 16/8/2018 đăng ký vốn điều lệ là 180 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do 03 cá nhân người Việt sáng lập là: bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đăng ký góp 144 tỷ đồng sở hữu 80% cổ phần, còn lại bà Nguyễn Thị Huyền Trâm và Đào Thị Hồng Quyên đều đăng ký góp 18 tỷ đồng mỗi người sở hữu 10% cổ phần.

Dù vậy, chỉ sau chưa đầy 01 tháng, tức là vào ngày 21/09/2018 Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế đã có đăng ký thay đổi, trong đó cả 03 cổ đông sáng lập đều thoái vốn gần như hoàn toàn. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Huyền Trâm thoái hoàn toàn vốn, bà Đào Thị Hồng Quyên chỉ đăng ký góp 180 triệu đồng để sở hữu 0,1% cổ phần và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đăng ký góp 900 triệu đồng để sở hữu 0,5% cổ phần.

Đến tháng 10/2018, trong cơ cấu cổ đông của Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế đã xuất hiện cổ đông Trung Quốc. Đó là Công ty HONG KONG NANYANG LIMITED với tỷ lệ sở hữu tới 99% cổ phần. Và Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư năng lượng quốc tế vẫn về tay ông ZHOU YAN FENG.

Như vậy, từ Công ty CP Điện mặt trời Vĩnh Hảo chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo đến Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế đều là những cuộc thoái vốn gấp rút của các cổ đông Việt tại chính doanh nghiệp mà mình sáng lập. Điều này cho thấy sự thống nhất cao của các cổ đông Việt trong những thương vụ thoái vốn gấp rút này, bởi pháp luật Việt Nam quy định trong thời hạn 03 năm cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Nên biết rằng, để được chấp thuận một dự án nói chung hay điện mặt trời nói riêng phải trải qua các thủ tục hành chính rất chặt chẽ. Vậy tham vọng của những nhà đầu tư Việt tại dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo là gì, trong khi kỳ công hoàn thành các thủ tục hành chính để được dự án để rồi lập tức thoái vốn nhường cho nhà đầu tư nước ngoài?

Minh Quang