Khoa học & Công nghệ

Nhà khoa học nữ gốc Việt 4 năm lọt top ảnh hưởng nhất thế giới

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - GS.TS Nguyễn Thục Quyên là nhà khoa học nữ duy nhất 4 năm liền nằm trong top 1% các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, xếp ở vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học vật liệu.
chi-quyen.jpg

Top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới

GS.TS Nguyễn Thục Quyên là một điển hình của người trẻ Việt Nam sinh ra trong chiến tranh nhưng nhanh chóng bắt nhịp với làn sóng toàn cầu hóa. Với nỗ lực tìm tòi những đặc tính mới của pin mặt trời hữu cơ, vật liệu hữu cơ và thiết bị điện tử hữu cơ, trong nhiều năm qua, GS.TS Nguyễn Thục Quyên là một trong số các nhà nghiên cứu tiên phong trên thế giới phát triển lĩnh vực rất “nóng” này. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, được bình chọn là Trí tuệ Khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới 4 năm liền từ 2015 - 2018; Top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

GS.TS Nguyễn Thục Quyên hiện là Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ (CPOS), đồng thời công tác tại Khoa Hóa học và Hóa sinh học của Đại học California, Santa Barbara (UCSB). Bà nghiên cứu tập trung vào quá trình xử lý quang vật lý các hợp chất cao phân tử truyền dẫn bằng cách sử dụng quang phổ cực nhanh. Bà cũng hợp tác với nhiều trung tâm về lắp ráp phân tử, xây dựng đặc tính và thiết bị nano, đồng thời nghiên cứu điện tử phân tử. Những nghiên cứu của bà về vật liệu điện tử hữu cơ được dùng để tạo ra nhiều loại công nghệ, từ các tấm pin mặt trời đến màn hình máy tính cuộn bỏ túi.

Lý do GS.TS Nguyễn Thục Quyên chọn nghiên cứu pin mặt trời hữu cơ là bởi cho đến tận năm 16 tuổi, bà vẫn sống ở một ngôi làng nhỏ của Việt Nam không hề có điện. Năng lượng tái tạo rất quan trọng trong tương lai, vì năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt và sử dụng nhiều năng lượng tái tạo giúp môi trường phát triển xanh, giảm ô nhiễm hơn. Năng lượng tái tạo cũng cực kỳ quan trọng cho các vùng sâu hoặc vùng cao... Việt Nam là một nơi hoàn hảo để phát điện từ pin mặt trời vì nắng khá nhiều quanh năm và không có tuyết.

thuc-quyen.jpg
GS.TS Nguyễn Thục Quyên và TS Niva Ran giới thiệu tấm pin mặt trời hữu cơ.

Là một trong những người tiên phong nghiên cứu pin mặt trời hữu cơ, GS.TS Nguyễn Thục Quyên có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu, và đã cùng các cộng sự đề xuất một kỹ thuật mới để sản xuất ra loại pin mặt trời polymer hữu cơ đơn lớp, có khả năng đưa các quang điện hữu cơ vào những thiết bị điện tử có thể đeo, mang trên người và phát điện năng ở quy mô nhỏ. Bà và nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu sâu về OLED (Organic Light-Emiting Diode, tức các điốt phát quang hữu cơ). Thách thức hiện tại đối với pin mặt trời hữu cơ là tuổi thọ và hiệu quả của môđun. GS.TS Nguyễn Thục Quyên mong muốn cải thiện hiệu suất môđun của pin lên 15% và tuổi thọ từ 20 năm trở lên.

Nhà khoa học nữ gốc Việt cho biết, nghiên cứu gần đây của nhóm tập trung vào các pin mặt trời hữu cơ bán trong suốt, các bộ tách sóng hữu cơ, pha tạp chất bán dẫn hữu cơ, vật lý thiết bị, vật lý quang của vật liệu phát sáng. Trong tương lai, bà muốn làm việc về cảm biến sinh học và điện tử sinh học để giao tiếp giữa các hệ thống điện tử hữu cơ và sinh học cho ứng dụng trong y tế sức khỏe. Mới đây, bà cũng tiến hành thảo luận với một số đồng nghiệp tại VinGroup về việc nghiên cứu khoa học và phát triển trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế (VinUni). Ước mơ của nữ khoa học là một ngày nào đó Việt Nam sẽ có một tổ chức nghiên cứu khoa học có thể cạnh tranh với Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản...

Vượt lên từ gian khó

GS.TS Nguyễn Thục Quyên sinh 1970 tại Buôn Ma Thuật (Đăk Lăk) trong một gia đình 5 anh chị em. Sau năm 1975, mẹ bà - một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để sinh nhai. Tháng 7/1991, gia đình bà sang Mỹ định cư theo diện HO. Cả gia đình biết rất ít tiếng Anh, nên thời gian đầu ở Mỹ vô cùng vất vả. Thấy bố mẹ cực nhọc làm trong nhà hàng và hãng may, bà không cho phép bản thân thất bại.

Bà quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đi học tại 3 trường ở 3 thành phố cùng một lúc. Cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày xem tin tức đài truyền hình Mỹ để tập nghe. Tháng 9/1993, bà xin nhập học Santa Monica College nhưng bị từ chối vì tiếng Anh kém. Bà năn nỉ nhà trường cho học thử 1 năm. Thời gian đó, bà tham gia 4 lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Không chỉ học ngày đêm, bà còn tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. Sau một năm thì được vào học chính như những sinh viên khác... Không có tiền học, bà phải xin làm thêm trong thư viện trường từ 17 - 22h mỗi ngày và vay thêm tiền của Chính phủ.

Năm 1995, bà chuyển từ Đại học Cộng đồng Santa Monica qua Đại học tiểu bang TP Los Angeles (UCLA). Bà xin vào làm ở một phòng thí nghiệm để được nghiên cứu, nhưng chỉ được rửa dụng cụ thí nghiệm vì bị coi thường. Sau khi tốt nghiệp đại học tháng 12/1997, nữ khoa học nộp đơn xin học lấy bằng cao học. Trong một năm, bà đã lấy được bằng cao học lý - hóa (tháng 12/1998) và được trao học bổng tiếp tục lấy bằng tiến sĩ tại đây. Trong thời gian này, bà làm trong phòng thí nghiệm 6 ngày/tuần và thường làm 16 tiếng một ngày cho tới 2 giờ sáng mới về nhà. Bà đã khóc rất nhiều ở Việt Nam lẫn ở Mỹ vì bị coi thường nên quyết tâm nỗ lực để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tháng 6/2001, bà ra trường trước những sinh viên trong phòng thí nghiệm mà trước đây bà từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Khi biết bà được giải toàn trường, họ rất mắc cỡ vì họ lấy bằng tiến sĩ trong 8 năm, trong khi bà lấy bằng tiến sĩ chỉ 3 năm. Trong 8 năm họ viết được một hoặc hai bài báo, còn bà có 12 bài báo khoa học và thuyết trình 19 lần ở đại học trong nước và các đại học quốc tế. Khi ra trường, TS Nguyễn Thục Quyên nhận giải thưởng xuất sắc của phân ngành lý – hóa và sau đó là hàng loạt giải thưởng có tiếng trên thế giới.

GS.TS Nguyễn Thục Quyên tâm sự, từ ngày đặt chân đến Mỹ chỉ biết vài câu tiếng Anh cho đến khi lấy bằng tiến sĩ tròn 10 năm. Mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời đều dạy cho bà một bài học, giúp bà trưởng thành, định hình nên bà ngày hôm nay. Tuổi thơ khó khăn đã dạy bà óc sáng tạo, sự kiên nhẫn, tạo cho bà rất nhiều động lực, cố gắng để có một cuộc sống tốt hơn.

Hiện tại, ngoài giảng dạy tại Đại học California, bà tham gia vào rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu của 7 phòng thí nghiệm và các trung tâm khoa học lớn trên thế giới. Bà cho biết, ở lại nước ngoài hay về nước cống hiến phụ thuộc vào bạn muốn làm gì. Mỗi nơi có những điều hay riêng. Nếu muốn làm việc cho một công ty, tập đoàn hay dạy học thì về giúp đỡ đất nước là rất tốt. Ở Việt Nam vui hơn, có gia đình, bạn bè và cuộc sống đỡ bị stress hơn.

Tuy nhiên, dù ở đâu, chúng ta cũng phải có niềm tin vào bản thân. Khi có ước mơ, hãy biến nó thành sự thật, đừng từ bỏ ước mơ của mình vì một ai. Khi vấp ngã có thể khóc một vài ngày nhưng sau đó phải biến vấp ngã thành một kinh nghiệm sống. Khi gặp khó khăn, hãy tự nhủ ngày mai sẽ là một ngày tốt đẹp hơn!...

gs-quyen.jpg

Một số giải thưởng của GS.TS Nguyễn Thục Quyên: Thành viên ưu tú của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh 2016; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức 2015; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ cho những nhà khoa học trẻ 2006; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Hải quân Quốc gia Mỹ 2005...

Tuyết Vân