Khoa học & Công nghệ

Nhà khoa học "hồi sinh" những vùng đất chết

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là người đầu tiên nghiên cứu sử dụng vi sinh vật để hồi sinh các vùng đất tưởng như đã chết do nhiễm dioxin, chất độc hóa học.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà.

Uống nước gạo rang cháy để tránh phơi nhiễm dioxin

Ở tuổi 70, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vẫn rong ruổi, miệt mài với nghiên cứu khoa học. Vẫn những chuyến công tác dài ngày, những buổi làm việc quên ăn, với tâm huyết rực cháy như thanh niên, tình yêu khoa học của bà chưa bao giờ nguội lạnh. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà là người gắn liền với hàng trăm sáng chế, đề tài khoa học đã công bố trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật là công nghệ phân hủy sinh học xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai và Đà Nẵng. Công nghệ này còn được ứng dụng làm sạch đất nhiễm các loại độc tố khác. Suốt hơn hai chục năm kể từ khi thực hiện nghiên cứu này, bà và các đồng nghiệp vẫn không ngừng tiếp tục hoàn thiện, tối ưu. Đến giờ, công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin đã được tối ưu hóa ở mức tốt nhất, thời gian làm nhanh nhất, công suất xử lý cao nhất, và giá thành đương nhiên thấp nhất.

Kể về công trình nghiên cứu làm sạch đất nhiễm dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn còn nhớ như in từng dấu mốc. Năm 1998, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà quyết tâm thực hiện đề tài này. Không biết bao nhiêu ngày đêm, bà và các học trò dãi dầm ở các điểm nóng Đà Nẵng, Biên Hòa, nơi có hai sân bay bị ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin nặng nhất.

Công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation) gồm hàng loạt nghiên cứu từ cơ bản, công nghệ, thử nghiệm quy mô lớn dần cùng các phân tích, đánh giá sâu sắc về bản chất của tập đoàn vi sinh vật bản địa, sự thay đổi nồng độ dioxin và chất diệt cỏ. Được bắt đầu từ năm 1999 với 12 đề tài, dự án nghiên cứu khác nhau, sau 10 năm, công nghệ phân hủy sinh học được áp dụng tại sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ trái sang) trong một chuyến thực địa.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ trái sang) trong một chuyến thực địa.

Thời gian đầu được cấp phép vào khu vực sân bay để nghiên cứu và đo nồng độ dioxin cũng như đánh giá các chủng vi sinh vật đất tại đây, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và nhóm cộng sự phải ở liền hàng tháng trời tại khu vực này để đo, đếm, tính toán xác định các chỉ số. Dù đã mặc trang phục bảo hộ cẩn thận, nhưng khả năng nhiễm độc vẫn có. Để tránh nguy cơ phơi nhiễm, bà cùng các đồng nghiệp thường dùng “mẹo” uống nước gạo rang cháy thành cacbon khi tới nơi làm việc.

Ở thời điểm đó, rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế hoài nghi về tính khả thi của nghiên cứu, bởi trước đó chưa có công bố nào chứng minh làm sạch được đất nhiễm nặng dioxin bằng phương pháp sinh học. Với niềm tin chắc chắn và quyết tâm thực hiện sau 10 năm với 40 tháng ứng dụng, hơn 3 ngàn m3 đất nhiễm dioxin đã được xử lý. Theo phân tích của Bộ TN&MT, tổng độ độc trung bình đã giảm sâu, hiệu quả lên tới 99,6%, dưới ngưỡng để đất có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn.

Công trình ''Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học'' của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2012. Đến nay công trình vẫn được ứng dụng thành công. Công nghệ này không chỉ ứng dụng xử lý dioxin mà xử lý tất cả các đất nhiễm độc.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và đồng nghiệp Mỹ cùng thực hiện dự án tại sân bay Đà Nẵng năm 2009.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và đồng nghiệp Mỹ cùng thực hiện dự án tại sân bay Đà Nẵng năm 2009.

Đề tài thành công và nỗi trăn trở

Hơn 40 năm công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cả cuộc đời nghiên cứu PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà dành trọn cho khoa học. Dường như đề tài nào của bà nghiên cứu cũng thành công. Dự án xử lý đất nhiễm dioxin, ban đầu rất nhiều người nghĩ rằng sẽ thất bại, nhưng bà đã chứng minh mình đúng sau 10 năm. Hiện chưa có công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam.

Tôi hỏi, liệu có bao giờ bà gặp thất bại trong nghiên cứu khoa học? Bà kể thời gian ở Hungary thực hiện 3 năm mới hoàn thành một đề tài, đến lúc kiểm tra kết quả không sử dụng được. Lý do bởi người thực hiện chủ quan không kiểm tra vật liệu dẫn đến vật liệu được giao kém chất lượng. Bà về phòng khóc, đến ngày thứ tư lại lên trường gặp thầy giáo chia sẻ ý tưởng mới. Đó là công trình khoa học xác định lượng protein trên tế bào. Nghiên cứu này sau đó được chuyển giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ứng dụng rất thành công đối với virus sốt xuất huyết: “Thất bại là nền tảng của thành công sau này. Đôi lúc thất bại hãy coi như chưa thành công”, bài học được PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đúc rút.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà trong phòng thí nghiệm.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà trong phòng thí nghiệm.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hồ hởi khoe, đề tài nghiên cứu về thuốc cai nghiện vừa chính thức hoàn thành sau gần 10 năm tập thể các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học thực hiện. Dự kiến sản phẩm sẽ được công bố vào tuần tới. Ngoài ra, bà cũng đang cùng các cộng sự đưa công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp sinh học vào ứng dụng cho một doanh nghiệp tại Bình Thuận. Dự án này hy vọng sẽ mở ra hướng xử lý rác thải tối ưu, an toàn cho môi trường và có thể triển khai rộng rãi ở các địa phương khác. Rác thải sau khi phân hủy sinh học thành phân hữu cơ sẽ được sử dụng bón cho cây công nghiệp, trồng rừng. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 nên một số tiến độ của dự án bị chậm lại.

“Tôi chỉ làm được khoa học. Bảo đi làm kinh tế, chắc tôi chịu. Thế nhưng, công việc của mình lại phải tiếp xúc nhiều với người làm kinh tế. Để đưa đề tài vào ứng dụng, phải có doanh nghiệp đồng hành. Làm thế nào để hài hòa lợi ích của cả hai bên mà vẫn đảm bảo công việc trôi chảy cũng là điều khó”, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ.

Ở tuổi 70, bà bảo, các công nghệ dành cả cuộc đời, thanh xuân, tuổi trẻ, đam mê, tâm huyết… để làm ra đã hoàn thiện. Giờ còn sức để đi, còn nhiệt huyết để làm thì bà vẫn tiếp tục làm. Ở đâu cần, bà vẫn sẵn sàng lên đường, chỉ mong sao đưa khoa học đóng góp vào thay đổi cuộc sống cho người dân tốt đẹp hơn. Điều bà trăn trở là hiện nay do rất nhiều lý do khách quan mà công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin chưa được sử dụng để khử độc cho toàn bộ đất bị ô nhiễm chất độc hóa học ở Việt Nam, dù chi phí thấp, hiệu quả cao.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà sinh năm 1952, hiện công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà từng học và nghiên cứu tại Azecbaijan, Hungary và Áo; làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài ở các cấp quản lý khác nhau; công bố 146 công trình khoa học - công nghệ trong và ngoài nước. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà từng nhận giải nhất giải thưởng VIFOTEC 2001, bằng khen của Bộ KH&CN năm 2001, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đoạt giải cao Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2005, huy chương vàng và bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc năm 2012, huy chương vàng Techmart 2015... Bà cũng đã được cấp và chấp nhận 10 bằng sáng chế, 2 bằng giải pháp hữu ích về công nghệ sinh học môi trường, thuốc, thực phẩm chức năng...

Tô Hội