Khám phá

Nguyễn Thức Tự, người thầy của những sĩ phu

T

Nhà thờ Nguyễn Thức Tự.

 Từ quan về dạy học

 Đông Khê Nguyễn Thức Tự sinh năm Tân Sửu (1841), trong một gia đình nhà nho có nền nếp, quê ở làng Đông Chữ, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Cha là Nguyễn Huy Phước “thông minh, tinh thông nghề thuốc, xem mạch như thần, biết được sống chết của người bệnh, nên cứu chữa được rất nhiều người” (gia phả họ Nguyễn Thức).

Mẹ là cháu gái Hoàng giáp Quận công họ Hồ, người làng Quỳnh Đôi, thông minh, ham học, thuộc nhiều thơ văn và truyện nôm khuyết danh.

Nguyễn Thức Tự chịu ảnh hưởng cả của cha lẫn mẹ. Ngay từ nhỏ Nguyễn Thức Tự đã được dân làng ca ngợi là “người vừa học giỏi vừa có đạo đức, phép tắc”.

Năm Mậu Thìn (1868), Nguyễn Thức Tự đậu á nguyên ra làm quan với các chức tri huyện Thạch Hà, tri huyện Hương Khê, Sơn phòng chánh sứ tỉnh Hà Tĩnh dưới triều vua Tự Đức.

Ông làm quan nhưng vẫn giữ được nếp nhà, giữ được bản tính “cung, thận” nên được nhân dân yêu mến, quý trọng.

Thời gian Nguyễn Thức Tự làm quan cũng là lúc thực dân Pháp đã chiếm xong ba tỉnh Nam Kỳ và ký xong hiệp ước xác lập nền đô hộ lâu dài của chúng ở Việt Nam.

Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Nguyễn Thức Tự đã hưởng ứng và gia nhập cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, giữ chức Tán tướng quân vụ, ở lĩnh vực nào ông cũng gắng sức đem tài sức để giúp ích cho dân, cho nước, nhưng triều đình thì bất lực, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp lần lượt bị thất bại.

Sau khi mẹ mất, Nguyễn Thức Tự cáo quan về chịu tang và mở trường dạy học nhằm mục đích góp phần vào việc đào tạo trí dân, đào tạo một lớp trẻ có học vấn, có lối sống thanh cao để cứu nước giúp dân.

Đạo giáo tư dân

Biết thầy giáo Nguyễn Thức Tự là người có chí hướng, có tư tưởng tiến bộ, có phương pháp truyền thụ kiến thức nên học trò các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An), Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà (Hà Tĩnh) và cả Thanh Hóa cũng đến xin học rất đông.

Trong những người ngày đầu tựu trường, học trò thường phải làm bài phú có đầu đề “Nhất thời trung phẫn độc thư sinh” trích từ hai câu thơ cổ:

 “Thất thập Tề thành giai bắc điện; Nhất thời trung phẫn độc thư sinh” (nghĩa là bảy chục thành nước Tề đều hàng phục cả; chỉ có một thư sinh là phản đối).

Đây là một hình thức sơ tuyển ban đầu để thày biết được trình độ nhận thức và tư tưởng, thái độ đối với đất nước của các học trò để có hướng dạy dỗ cho từng người làm sao cho kết quả là các học trò đều có học vấn, có uy tín và nhiệt tình yêu nước để giáo dục, thuyết phục và động viên đồng bào cứu nước mà Nguyễn Thức Tự gọi là “Đạo giáo tư dân”.

Trong quá trình dạy học, ngoài vốn kiến thức thày truyền đạt cho trò, thày còn yêu cầu các học trò cùng mình luôn tự rèn luyện để khử bỏ điều ác, năng làm điều thiện, sống mực thước cho tâm hồn được trong sáng. “Không nóng như than hồng, cũng không lạnh như băng tuyết”.

Sự khai tâm mở trí của thầy, các học trò cũng dần cảm nhận được: “Đạo đầy đủ bởi ngậm được nay, nuốt cả xưa, bụng no nê vì nước nhụy này, nhai hoa nọ. Giáo dục con trẻ có hướng, có phương dạy dỗ người đời không chán, không mệt”.

Trong sự nghiệp giáo dục của mình, Nguyễn Thức Tự đã đào tạo được một lớp người thực sự có tài năng, có nhân cách, kể cả những người ra làm quan dưới thời phong kiến thực dân nhưng vẫn giữ được phẩm hạnh nhà nho của người trí thức chân chính như Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đức Lý, tiến sĩ Hoàng Kiêm, Nguyễn Mai, Lê Bá Hoan, phó bảng Vương Đình Trân, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Đức Dinh, Nguyễn Thúc Hiền, Nguyễn Kiểm, Nguyễn Viết Trung, Đặng Nguyên Cẩn và đặc biệt là Nguyễn Sinh Sắc chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng thương dân, yêu nước của Nguyễn Thức Tự.

(còn nữa)

Tuấn Đạt