Trong nước

Nguyên nhân liên tiếp xảy ra sạt lở đất ở Lâm Đồng khiến 9 người chết

  • Tác giả : Hải Ninh
Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất khiến 9 người chết là do lượng mưa nhiều, kéo dài, nước không kịp ngấm thoát khiến nền đất yếu.
Nguyên nhân gây sạt lở đất tại Lâm Đồng
Ngày 4/8, Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn liên tục kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất.
Trong đó có 10 trận mưa lớn, 01 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất,... gây hậu quả làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương; hư hỏng, thiệt hại 235 căn nhà, 283 ha cây trồng, cuốn trôi gần 1 ha ao cá và hơn 2.800 gia cầm, gia súc; làm hư hỏng 6 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 210m đường giao thông, ngã đổ 5 cột điện; ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Đạ Huoai... ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 23 tỷ đồng.
Nguyen nhan lien tiep xay ra sat lo dat o Lam Dong 9 nguoi chet
Hiện trường vụ sạt lở đất đèo Bảo Lộc.
Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7/2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài (từ ngày 29-30/7/2023, lượng mưa tại đèo Bảo Lộc đạt 196mm; một số địa điểm khác tại huyện Đạ Huoai, thành phố Bảo Lộc đạt từ 100mm đến 190mm;...), làm nền đất yếu, gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 17/6, xảy ra 2 điểm sạt lở đất tại thành phố Đà Lạt làm 2 người thiệt mạng và 1 điểm sạt lở bờ taluy tại thành phố Bảo Lộc làm 1 người thiệt mạng, 1 bị thương, hư hỏng một số tài sản.
Ngày 29/6, xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt, làm 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương; 2 nhà kiên cố bị sập, 01 nhà kiên cố bị hư hại nặng, 9 căn nhà bị hư hỏng một phần, 1 cột điện bị gãy đổ; 13 cây thông bị ngã đổ.
Ngày 30/7, xảy ra một số điểm sạt lở đất, ngã đổ cây rừng, cây xanh tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai) và vùi lấp trụ sở Trạm cảnh sát giao thông Mađagui (tại Km 103+300, Quốc lộ 20, khu vực nằm giữa đèo Bảo Lộc), vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 2 xe ô tô; chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc.
Theo Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở đất do tại tỉnh Lâm Đồng nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở đất trên địa bàn là do mưa lớn, tập trung dồn vào một thời điểm ngắn.
Một số thời điểm lượng mưa tại TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc rất cao (tháng 6 và tháng 7), đạt từ 100mm-190mm/ngày. Mưa quá lớn đã làm nền đất bị yếu, là nguyên nhân dẫn tới sạt lở.
Bên cạnh đó, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh khoảng 977.219ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200m-1500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazzan, đất phù sa,... đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài.
Ngoài ra, một số địa phương chưa kịp thời rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có taluy âm/dương cao để chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.
Còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất
Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng thông tin, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 3 công điện và hơn 14 văn bản, kế hoạch, thông báo kết luận Hội nghị chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong tỉnh khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất và đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng công trình, dự án trong mùa mưa bão; kiểm tra, cảnh báo và di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; khẩn trương rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đánh giá mức độ nghiêm trọng và triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đối với vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc ngày 30/7/2023), tỉnh Lâm Đồng đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội và các lực lượng khác; huy động gần 20 phương tiện máy móc (máy múc, xe ben, máy khoan, máy dò,...) để khẩn trương tổ chức tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, khắc phục hậu quả; đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân và đến trưa ngày hôm sau (31/7) đã tìm thấy nạn nhân còn lại. Đồng thời, điều tiết, phân luồng các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng đường Tỉnh lộ 721 qua huyện Đạ Tẻh và Tỉnh lộ 725 qua huyện Bảo Lâm để tránh ùn tắc.
Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn; có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất; trong đó, đã di dời được 94 hộ dân, còn 150 hộ cần tiếp tục di dời khi tình hình mưa lớn tiếp tục diễn ra.
9 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nứt, lún đất tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà:
Thông tin về tình hình nứt, lún đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ đầu tháng 7/2023, tại khu vực sườn đồi tại Thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh) xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20cm đến 30cm ngang qua khu vực sản xuất của 3 hộ gia đình.
Vết nứt phát triển dần và đến ngày 28/7/2023 xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực, chiều rộng vết nứt phát triển đến hơn 50cm và lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án. Vị trí sụt lớn nhất là 1,5m. Tình trạng sụt lún đất đã tác động không tốt đến tràn xả lũ của dự án hồ Đông Thanh.
Tổng số hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng là 9 hộ/53,8 ngàn m² đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 04 hộ có nhà; 500m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sạt trượt.
UBND huyện Lâm Hà đã tổ chức di dời các hộ dân đến nơi an toàn; chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng Lâm Hà cùng UBND xã Đông Thanh, đơn vị thi công phân công cán bộ trực 24/24h để theo dõi thường xuyên tình hình nứt, lún.
Các biện pháp trước mắt đã được huyện triển khai tạo độ dốc thoát nước về hạ lưu không cho đọng nước trong phạm vi công trình; làm tầng dăm lọc, cát lọc, đá hộc và đá tảng tại chân mái taluy đào để tăng cường ổn định chân mái đào; khơi thông toàn bộ rãnh tiêu, suối ở vị trí vai đồi để đảm bảo thoát nước mưa, thi công cống ly tâm đường kính 1m thoát nước ngang đường; trả bạt chống thấm dọc theo các vết nứt, đào hạ mái taluy sau nhà ông Thắng...; cảnh báo về khu vực sạt trượt đất nguy hiểm.
Chỉ đạo Ban QLDA phối hợp với đơn vị tư vấn và thi công đo vẽ địa hình khu vựt sạt trượt, đo địa vật lý bằng phương pháp ảnh điện (hiện đang xử lý nội nghiệp, dự kiến đến ngày 10/8/2023 có kết quả mặt cắt địa chất). Đang triển khai khoan địa chất khu vực sạt trượt và quan trắc liên tục theo ngày, trong những ngày mưa thực hiện quan trắc trước và sau khi mưa.
Ngày 3/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra tình hình sạt lở để chỉ đạo khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục.

>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa to gây sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt, vùi lấp người và tài sản


Hải Ninh