Y học và đời sống

Nguy hiểm tiềm ẩn khi cho trẻ sử dụng xe đạp

  • Tác giả : Giang Thu
Chỉ trong ít ngày, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đã tiếp nhận và chuyển viện 2 trường hợp trẻ em bị chấn thương sọ não sau tai nạn ngã xe đạp.

Trường hợp thứ 1: Bệnh nhân L.G.H. (16 tuổi, trú tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) nhập viện lúc ngày 03/8/2024 trong tình trạng đau đầu, nôn sau ngã xe đạp.

Các bác sĩ đã khám toàn trạng và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy bệnh nhân H có sưng nề biến dạng vùng thái dương phải; tay, chân, gối có nhiều vết xây xát. Hình ảnh chụp CT.Scanner cho thấy có tụ máu dưới và ngoài màng cứng vùng chẩm phải, xuất huyết rãnh liên bán cầu trước, vỡ xương trán – thái dương chẩm phải, vỡ xương đỉnh trái kèm tụ khí nội sọ rải rác. Bệnh nhân H. được sơ cấp cứu, giảm đau, chống phù não và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị tiếp.

Hình ảnh CTScanner sọ não của bệnh nhân H. cho thấy có tụ máu dưới và ngoài màng cứng vùng chẩm phải, xuất huyết rãnh liên bán cầu trước , vỡ xương trán –thái dương chẩm phải vỡ xương đỉnh trái kèm tụ khí nội sọ rải rác.. ẢNh BVCC

Hình ảnh CTScanner sọ não của bệnh nhân H. cho thấy có tụ máu dưới và ngoài màng cứng vùng chẩm phải, xuất huyết rãnh liên bán cầu trước , vỡ xương trán –thái dương chẩm phải vỡ xương đỉnh trái kèm tụ khí nội sọ rải rác.. ẢNh BVCC

Trường thứ 2: Bệnh nhân T.M.K. (10 tuổi, trú tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) nhập viện lúc ngày 06/8/2024 trong tình trạng đau, chảy máu vùng đầu sau ngã xe đạp.

Các bác sĩ đã kiểm tra toàn trạng, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Kết quả cho thấy, bệnh nhân có sưng nề vùng đỉnh trái (kích thước khoảng 3x2 cm) kèm vết thương rách da (kích thước khoảng 1cm), có trầy xước da vùng cổ, vai trái (kích thước khoảng 10x7cm), sưng nề, trầy xước da gối trái (kích thước khoảng 7x5cm). Kết quả hình ảnh CT.Scanner sọ não cho thấy vỡ lún xương đỉnh trái kèm phù nề tụ khí mô mềm vị trí tổn thương. Chẩn đoán chấn thương sọ não. Bệnh nhân K. được cấp cứu, băng cầm máu vết thương và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị.

Hình ảnh CTScanner sọ não của bệnh nhân K cho thấy vỡ lún xương đỉnh trái kèm phù nề tụ khí mô mềm vị trí tổn thương. Ảnh BVCC

Hình ảnh CTScanner sọ não của bệnh nhân K cho thấy vỡ lún xương đỉnh trái kèm phù nề tụ khí mô mềm vị trí tổn thương. Ảnh BVCC

Qua 02 trường hợp trên, các bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả khuyến cáo: Chấn thương sọ não là chấn thương khá nặng, có thể để lại di chứng nặng nề cho trẻ. Do đó, khi trẻ tự đi xe đạp, xe đẩy chân, chơi ván trượt, xe trượt, patin...hoặc bất cứ trò chơi tốc độ nào, trẻ cần đội mũ bảo hiểm và mang các dụng cụ bảo hộ chuyên dùng để hạn chế thương tích khi bị ngã. Nếu trẻ bị ngã và xuất hiện những dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để kịp thời sơ cấp cứu và điều trị, hạn chế các di chứng sức khỏe sau này.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giáo dục ý thức cho trẻ về phòng ngừa tai nạn ngã, thường xuyên nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi; không leo trèo: trèo cây, trèo tường, cột điện, cầu thang...

Tai nạn ngã là loại thương tích phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ hiếu động. Hầu hết tai nạn ngã chỉ gây ra các vết thương nhẹ, như bầm, xây xát da. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trẻ bị chấn thương nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần nâng cao ý thức phòng ngừa, thường xuyên nhắc nhở trẻ chú ý an toàn, đồng thời cũng cần chuẩn bị các biện pháp sơ cứu khi trẻ bị tai nạn.

Khi trẻ té ngã, nên quan sát, tìm hiểu nguyên nhân gây cho trẻ ngã để có cách xử lý thích hợp. Nếu chấn thương nhẹ như bầm, tím, xây sát da thì phải rửa bằng nước sạch, sát trùng và băng lại.

Nếu chấn thương nặng như gãy xương, chảy máu thì phải cố định xương và cầm máu bằng cách băng ép sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Giang Thu