Y học và đời sống

Nguy hiểm khi chữa cận thị bằng massage, yoga

Việc chữa cận thị hay các bệnh lý về mắt theo phương pháp massage hoặc tập yoga rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng tới thị lực của mắt.

Trên thế giới và Việt Nam chưa có nghiên cứu nào khẳng định châm cứu, massage, bấm huyệt hay tập yoga có thể điều trị tật khúc xạ.

Hiện nay trên mạng internet, mạng xã hội hay truyền miệng quảng cáo việc luyện tập mắt có thể chữa cận thị, với những lời có cánh như bỏ kính không cần phẫu thuật, massage chữa cận thị, thiền chữa cận…

BS Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay, yoga vốn là bộ môn thể dục tốt, nhưng ứng dụng thế nào mới là điều cần quan tâm. Thời gian qua, trên facebook có nhiều nhóm quảng cáo các lớp tập yoga, dưỡng sinh để chữa điều trị bệnh mắt như tật khúc xạ, bệnh nhược thị, thậm chí cả đau mắt…

Tuy nhiên, BS Đặng Xuân Nguyên khẳng định, hiện nay các bệnh, tật khúc xạ chỉ cải thiện được nếu đeo kính hoặc làm phẫu thuật tật khúc xạ chứ không thể chữa bằng các phương pháp trên. Việc cha mẹ bỏ qua các bài luyện tập nhược thị để theo đuổi những phương pháp này là rất nguy hiểm, khi quay lại viện thì tình trạng nhược thị đã quá nặng, thị lực không thể phục hồi.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Chung, Phó Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng – Mắt, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trường hợp đưa con đi tập để chữa cận, loạn thị không phải là cá biệt. Ông từng tiếp nhận không ít trường hợp đã mất khá nhiều tiền điều trị theo kiểu đó, cuối cùng phải đến bệnh viện vì không có kết quả. Và sau khi được giải thích, họ chấp nhận cho con đeo kính.

“Trên thế giới và Việt Nam chưa có nghiên cứu nào khẳng định châm cứu, massage, bấm huyệt hay tập yoga có thể điều trị tật khúc xạ. Việc day, xoa, bóp vùng mắt mỏi mệt khi làm việc với máy tính nhiều có thể làm giảm điều tiết, làm mắt đỡ mỏi và khắc phục được các trường hợp cận thị giả, loạn thị giả”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Chung khẳng định.

TS Nguyễn Đình Ngân, Chủ nhiệm Bộ môn Mắt, Học viện Quân y, Hà Nội cho rằng: “Các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, yoga không thể làm giảm hay triệt tiêu độ cận. Cận thị chỉ giữ nguyên số và tăng, không bao giờ giảm”.

Riêng với tật viễn thị, mắt có thể tự bù trừ để giảm độ viễn. Việc tập luyện có thể giúp tăng khả năng bù trừ, nhưng đây là cách luyện tập khoa học giúp điều tiết mắt chứ không đơn thuần là massage

TS Nguyễn Đình Ngân lý giải: “Ví dụ bệnh nhân bị viễn thị 2 diop, mắt vẫn điều tiết để bù trừ, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường mà không biết cơ trong mắt vẫn co. Đến một ngày hệ thống cơ mỏi, co kém do ốm dậy, hoặc bệnh nhân là trẻ em, khi lớn lên thuỷ tinh thể giảm khả năng co giãn và sức điều tiết thì dù độ viễn không thay đổi, bệnh nhân vẫn phải đeo kính mới nhìn rõ”.

Về tác hại của việc chữa tật khúc xạ bằng các phương pháp trên, ThS.BS Nguyễn Ngọc Chung cho biết, nếu cứ duy trì cách điều trị sai lầm, tật khúc xạ không giảm, não không nhận ảnh rõ nét và chính xác, lâu ngày trung tâm xử lý hình ảnh trong não bị ức chế dẫn đến nhược thị – hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động của mắt, thị lực giảm sút – mà không thể điều trị bằng cách chỉnh số kính.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Chung cho biết thêm: “Khi đã khẳng định có tật khúc xạ thì phải đeo kính. Tuy nhiên, để chỉ định đeo kính cũng cần khám đúng quy trình. Nhiều trẻ bị đeo kính oan hoặc đeo sai số vì bố mẹ lười đưa đi khám, đến hiệu kính đo bằng máy rồi cắt kính ngay luôn”.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Chung lý giải, để biết mắt có bị tật khúc xạ hay không, không thể chỉ dùng máy đo ở hiệu kính. Để kiểm tra khúc xạ cho trẻ, bác sĩ phải nhỏ thuốc để làm liệt cơ thể mi.

Cơ này có dây chằng riêng, điều tiết thủy tinh thể căng lên hay xẹp xuống tùy theo nhìn xa hay gần, nhằm thay đổi hội tụ ánh sáng để ảnh rơi đúng võng mạc. Khi cơ này liệt, ngừng co dãn, thủy tinh thể nằm ở trạng thái nghỉ, lúc này đo khúc xạ sẽ chính xác nhất.

Trẻ em lần đầu đi kiểm tra tật khúc xạ tuyệt đối không sử dụng thông số của máy đo tự động để cắt kính. Cách này chỉ áp dụng cho trẻ lớn, hoặc người lớn đã đeo kính, độ khúc xạ đã ổn định.

TS Nguyễn Đình Ngân tiết lộ, một nghiên cứu được thực hiện năm 2006 tại một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội cho thấy, 1/3 số học sinh đeo kính cận ở đây đang đeo kính quá số hoặc không cận vẫn đeo kính cận – hậu quả của việc cắt kính theo máy đo tự động.

Theo các chuyên gia, việc đeo kính không đúng số chẳng những ảnh hưởng đến chất lượng nhìn mà còn gây nhức mỏi mắt, đau đầu, chóng mặt do rối loạn điều tiết, lâu ngày có thể dẫn đến nhược thị.

Hồng Anh (tổng hợp)