Khoa học & Công nghệ

Nguy cơ ung thư, vô sinh khi dùng thực phẩm chứa pin

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, pin chứa rất nhiều chất độc hại, người dân sử dụng cà phê, thực phẩm chứa pin có thể gây tác hại khôn lường cho sức khỏe.

Ngày 17/4, thông tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê “bẩn” bằng cách nhuộm cà phê với chất bột màu đen của cục pin của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Cơ sở chế biến cà phê pin bẩn.

Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá.

Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 2 chậu chứa cục pin con ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê được nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê “bẩn”.

Đáng sợ hơn, chủ cơ sở thừa nhận, chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê được nhuộm đen bằng pin con ó như trên. Điều đó đồng nghĩa, đã có hàng nghìn người dân tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ cà phê “pin” mà không biết.

Nguy cơ ung thư, vô sinh khi dùng thực phẩm chứa pin

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, pin chứa rất nhiều chất độc hại, người dân sử dụng thực phẩm có chứa các thành phần trong pin có thể gây tác hại khôn lường cho sức khỏe.

Trong pin có chứa các chất như: Chì, Magie, Mangan khi chế biến với thực phẩm khiến người ăn bị ngộ độc. Ở mức độ nhẹ, tức thời sau khi ăn ít, chúng ta sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy trường diễn và tiềm ẩn ung thư.

Người ta đã khuyến cáo trẻ con không được chơi pin bởi thực tế, có nhiều trẻ cầm pin chảy nước đã bị bong da.

Trong pin chứa chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ thống sinh sản và hệ thống tim mạch của con người. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp.

Đặc biệt, chì là mối nguy hại với trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm độc chì làm giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ. Một số đánh giá của các nhà khoa học cho thấy cứ 10mg/dl tăng về chì trong máu sẽ gây giảm 1-5 điểm IQ đối với trẻ em bị nhiễm chì.

Ngoài ra, trong pin có chứa chất cadmium rất nguy hiểm, chỉ cần một lượng 30-40g cũng đủ gây chết người. Do lượng cadmium thải ra khỏi cơ thể con người rất chậm (0,1% trong một ngày đêm) nên dễ diễn ra quá trình ngộ độc mãn tính.

Những triệu chứng sớm nhất của nó là tổn thương ở thận và hệ thần kinh, có albumin trong nước tiểu, rối loạn chức năng các cơ quan sinh dục, sau đó thấy đau dữ dội ở xương sống lưng và xương. Điển hình là rối loạn các chức năng phổi. Cadmium cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư.

Mắc hội chứng manganism, tương tự bệnh Pakinson

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, chị Lương Ánh Hồng – Kỹ sư hóa thực phẩm tại TPHCM cho biết: “Khi uống cà phê có chứa lượng mangan dioxit vượt quá nồng độ cho phép thì có thể dẫn đến hội chứng manganism – một hội chứng tương tự như bệnh Pakinson”.

Bên cạnh đó, chị Lương Ánh Hồng còn chia sẻ thêm: “Theo WHO, nồng độ tiêu chuẩn tối đa cho phép của Mn trong nước là 0,4mg/l. Ở Việt Nam theo QCVN 01: 2009/BYT thì nồng độ tiêu chuẩn tối đa cho phép của Mn trong nước là 0,3mg/l. Chất này có thể ảnh hưởng mạnh đến hệ thần kinh, dẫn đến các bệnh liên quan như suy giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động tay chân…”.

Mangan đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều mangan trong khi tiết thải ra ngoài thì rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ mangan trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm mangan.

Về lâu dài, hàm lượng mangan tích tụ trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và làm suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng khác như phổi, thận và tim.

Nhiễm độc mangan có thể gặp ở nhiều thể. Thể phổ biến nhất là thể thần kinh. Ngoài ra, còn gặp các rối loạn nội tiết, huyết học, tiêu hoá, các tổn thương gan, thận, phổi, mũi họng.

Sử dụng cà phê tẩm nhuộm pin rất có hại cho sức khỏe – Ảnh minh họa: Internet

Gây ngộ độc

Trả lời Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, cho pin vào thực phẩm như để nấu bánh chưng không hề có tác dụng làm cho bánh nhanh nhừ và giữ lá còn xanh như tin đồn mà còn gây rất nhiều tác hại bởi những hóa chất độc hại trong pin. Không có cơ sở khoa học cho việc này.

Trong trường hợp người dân không hiểu biết cho pin vào nấu bánh chưng sẽ rất tai hại. Ông cho hay, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.

“Chì, Magie, Mangan trong pin sẽ thôi ra khiến người ăn bị ngộ độc. Nhẹ, tức thời sau khi ăn ít, chúng ta sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy trường diễn và tiềm ẩn ung thư. Người ta đã khuyến cáo trẻ con không được chơi pin bởi thực tế, có nhiều trẻ cầm pin chảy nước đã bị bong da. Điều đó cho thấy nó là chất độc. Nếu dùng trong thực phẩm thì quả thực rất tai hại”, PGS Thịnh cảnh báo.

Chuyên gia lấy ví dụ với chì có trong pin, tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa. Trong đó, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn hơn cả khi bị nhiễm do có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn. Việc luộc ngô với pin sẽ khiến ngô nhiễm chì, trẻ ăn ngô suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy.

Do đó, vị chuyên gia này khuyến cáo, dù ở hàm lượng nhiều hay ít, người sản xuất các thực phẩm ra thị trường cũng tuyệt đối không nên cho pin vào bởi pin là sản phẩm công nghiệp, không phải sản phẩm thực phẩm nên hóa chất làm pin không tuân theo các tiêu chuẩn sản phẩm dành cho thực phẩm.

Theo Trang Anh (Kiến Thức – tổng hợp)