Y học và đời sống

Người phụ nữ bị suy tuyến thượng thận: Bệnh nguy hiểm, phòng ngừa sao?

  • Tác giả : Thu Hương (T/H)
Mới đây, một người phụ nữ 64 tuổi được bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu do bị suy tuyến thượng thận do thuốc, rối loạn điện giải, viêm phổi, đái tháo đường type 2.

Theo các bác sỹ, suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất giảm glucocorticoid hoặc mineralcorticoid hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong.

Dấu hiệu suy tuyến thượng thận mạn

Triệu chứng suy tuyến thượng thận ở mỗi người sẽ khác nhau. Những dấu hiệu này có thể giống với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, suy tuyến thượng thận có thể dẫn đến cơn suy thượng thận cấp đe dọa tính mạng.

Các dấu hiệu của suy tuyến thượng thận mạn:

Mệt mỏi, chóng mặt.

Da sẫm màu, vùng núm vú, miệng, trực tràng, bìu, âm đạo bị xanh đen.

Sụt cân, chán ăn không rõ nguyên nhân.

Thường xuyên bị buồn nôn, nôn mửa, bụng cồn cào khó chịu, tiêu chảy.

Đau cơ, huyết áp thấp, hạ đường huyết.

Vô kinh, kinh nguyệt không đều.

Ngay khi thấy các dấu hiệu trên, người dân nên đi khám bác sĩ, thông báo rõ triệu chứng và tình trạng để bác sĩ có những chỉ định điều trị phù hợp.

Mức độ nguy hiểm của suy tuyến thượng thận

Theo chuyên gia, Bệnh suy tuyến thượng thận rất nguy hiểm. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh bị suy tuyến thượng thận cấp với các biểu hiện: sốc, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Do đó, việc hiện tình trạng suy tuyến thượng thận sớm đóng vai trò rất quan trọng, giúp người bệnh điều trị kịp thời, duy trì sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Suy tuyến thượng thận do thuốc là bệnh thường gặp nhất trong lâm sàng và biến chứng nặng nề như suy tuyến thượng thận cấp, suy kiệt rối loạn điện giải nặng, nhiễm trùng cơ hội. Đây là hậu quả của tình trạng lạm dụng thuốc corticoid kéo dài không kiểm soát, thường gặp trong các bệnh lý xương khớp, bệnh về máu, hen phế quản.

Phòng ngừa suy tuyến thượng thận

Bệnh suy tuyến thượng thận ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Từ nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận, người dân cũng như người bệnh cần chú ý đến các vấn đề dưới đây để phòng ngừa bệnh.

Việc tự ý sử dụng corticoid, nhất là ở những người bệnh xương khớp, là nguyên nhân chính dẫn đến suy tuyến thượng thận thứ phát. Do đó, dù mắc bệnh gì, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc cũng như các loại thuốc chứa thành phần corticoid.

Trường hợp bị các tình trạng phải sử dụng corticoid lâu dài, người bệnh cần đi khám bệnh định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc bất cứ khi nào thấy cơ thể có những biểu hiện khác thường để được điều chỉnh thuốc, phác đồ điều trị phù hợp.

Trường hợp người bệnh đã bị suy tuyến thượng thận thì tình trạng suy tuyến thượng thận cấp rất nguy hiểm, đe dọa tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, người bệnh phải dùng thuốc corticoid suốt đời, phải luôn luôn mang thuốc dự trữ bên cạnh. Khi gặp stress, cần báo ngay với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc vì lúc này cơ thể không đáp ứng với corticoid dạng uống.

Ngày 7/6, bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa cấp cứu cho bà N.T.Đ (64 tuổi, xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị suy tuyến thượng thận do thuốc, rối loạn điện giải, viêm phổi, đái tháo đường type 2.

Trước ngày nhập viện 3 ngày bà Đ. thấy mệt mỏi nhiều, buồn nôn, khó thở, ho khạc đờm nhiều, nhập viện điều trị. Bà cho biết bà có tiền sử đau xương khớp nhiều năm, dùng nhiều loại thuốc tê giảm đau không rõ nguồn gốc.

Khi nhập viện, bà có tình trạng tiếp xúc chậm, đau mỏi xương khớp, yếu mỏi cơ, khó thở sau những cơn ho, ngoài ra, xuất hiện hội chứng Cushing với các dấu hiệu như béo vùng trung tâm, mặt to tròn, rậm lông vùng ria mép, da mỏng có nhiều đám xuất huyết, hội chứng nhiễm trùng rõ.

Bệnh nhân được các Bác sĩ điều trị bằng thuốc Glucocorticoid theo phác đồ của Bộ Y tế, điều chỉnh đường máu bằng Insulin và điều trị các bệnh kèm theo theo phác đồ.

Hiện tại, tình trạng người bệnh tiến triển tốt, đỡ mệt mỏi, đỡ ho, không buồn nôn, không khó thở, kiểm soát được đường huyết. Người bệnh ra viện, tiếp tục dùng thuốc theo đơn và khám hàng tháng theo hẹn.

Thu Hương (T/H)