Ông Trương năm nay 64 tuổi, cảm thấy không khỏe nên đi khám tại Bệnh viện Ninh Ba (Trung Quốc). Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân mắc ung thư phổi.
Điều đáng bàn, bệnh nhân từng được chẩn đoán mắc ung thư gan, điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cách đây 10 năm. Đầu năm, ông Trương được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng. Bác sĩ chỉ định xạ trị và hóa trị. Tính đến nay, bệnh nhân mắc 3 bệnh ung thư nguy hiểm nhất.
Tìm hiểu thói quen sinh hoạt, bác sĩ cho rằng thói quen hút thuốc là nguyên nhân chính gây bệnh. Được biết, bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá thời gian dài. Trung bình, mỗi ngày ông Trương sử dụng hết 3 bao thuốc lá, kéo dài suốt 40 năm. Hút thuốc lá không chỉ hao tiền tốn của mà còn bào mòn sức khỏe của ông.
Thói quen hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư nguy hiểm. Ảnh: ABLW |
Thời điểm phát hiện ung thư gan cách đây 10 năm, bác sĩ từng khuyên bệnh nhân bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Vậy nhưng, ông Trương chỉ bỏ được thời gian ngắn, sau đó hút trở lại. Thói quen hút thuốc của ông Trương nghiêm trọng đến mức chỉ cần đứng gần là có thể ngửi được mùi khói thuốc tỏa ra từ cơ thể.
Bác sĩ phụ trách trung tâm xạ trị Bệnh viện Ninh Ba cho biết, cô và các đồng nghiệp thường xuyên nhắc nhở bỏ thuốc nhưng bệnh nhân không thực hiện. Thậm chí bệnh nhân vừa điều trị vừa đi vào toilet hút thuốc. Hút thuốc khiến quá trình điều trị của ông Trương khó khăn hơn rất nhiều so với những bệnh nhân khác.
Cụ thể, tác dụng phụ của xạ trị và hóa trị thường đến sớm và nặng hơn. Chỉ 2 ngày sau xạ trị, bệnh nhân cảm thấy đau họng và khó nuốt, kéo dài 2-3 tuần. Tình trạng khiến bệnh nhân phải nhập viện để hỗ trợ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Điều này vừa làm tăng chi phí nằm viện vừa giảm hiệu quả điều trị.
Về mối nguy ung thư do hút thuốc lá , chuyên gia nhấn mạnh, khói thuốc lá chứa nhiều độc tố như nicotine, chất phóng xạ, hắc ín, carbon monoxide, benzopyrene, vinyl clorua, nitrosamine, cadmium, asen, thủy ngân,... Đây đều là chất gây ung thư. Chúng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại là chất gây ung thư loại I.
Hút thuốc lá chủ động hay thụ động đều có thể tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư miệng, ung thư đường ruột,... Số liệu nghiên cứu chỉ ra, 80-90% trường hợp ung thư phổi là do thuốc lá. Hút thuốc lá ít hay nhiều đều gây hại cơ thể. Hút càng nhiều thì tác hại càng lớn và tỷ lệ mắc khối u càng cao.
Để bảo vệ sức khỏe, chuyên gia khuyên nếu có thói quen hút thuốc thì nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu bạn không thể bỏ thuốc, cần tránh hút thuốc gần phụ nữ mang thai và trẻ em. Phụ nữ mang thai tuyệt đối không tiếp xúc với khói thuốc (điều này bao gồm hút thuốc lá thụ động).