Làm đẹp

Ngứa da, nổi mụn nước... bất ngờ được chẩn đoán bệnh ghẻ

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh ghẻ là bệnh lý ngoài da phổ biến do ký sinh trùng ghẻ trên da gây nên. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh và có thể gây biến chứng bội nhiễm, viêm cầu thận do nhiễm độc tố ghẻ hoặc liên cầu khuẩn.

Nhiều người bị ghẻ, rất dễ lây lan

Vừa qua, Trung tâm Da liễu thẩm mỹ Hùng Vương tiếp nhận một số ca bệnh về da liễu liên quan đến ký sinh trùng ghẻ. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán: bệnh nhân bị ngứa và nổi mụn nước do bệnh ghẻ. Bệnh nhân được kê đơn và dùng thuốc tại nhà điều trị bệnh.

Có thể thấy da ngứa, nổi mụn nước gặp trong rất nhiều bệnh nhưng nổi bật trong điều kiện khí hậu hiện nay hay gặp là bệnh ghẻ.

Dấu hiệu của bệnh ghẻ - ảnh BVCC

Dấu hiệu của bệnh ghẻ - ảnh BVCC

Bệnh chủ yếu do ghẻ cái gây nên, cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang. Ký sinh trùng này có bốn đôi chân, kích thước khoảng 0.3 mm, rất nhỏ nên khó nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng không thể bay hay nhảy, chu kỳ sống khoảng 30 ngày ở trong và trên thượng bì.

Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi ngày đẻ 1 - 5 trứng, trứng sau 72 - 96 giờ nở thành ấu trùng, sau 5 - 6 lần lột xác (trong vòng 20 - 25 ngày) trở thành con ghẻ trưởng thành, sau đó bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới. Mỗi chu kỳ sinh sản kéo dài 2-7 tuần.

Phát hiện điều trị sớm tránh biến chứng

BSCKII. Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng Khoa Phó Trưởng Khoa Laser và săn sóc da, bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, nguyên nhân chính gây bệnh do ghẻ cái. Đây là một loại kí sinh trùng phát triển và sinh sản duy nhất trên da người, ghẻ có thể sống khoảng 30 ngày trên da người và 2 ngày trên quần áo, giường chiếu,...

Ghẻ cái - ảnh BVCC

Ghẻ cái - ảnh BVCC

Người bị mắc ghẻ là do tiếp xúc với da bị bệnh hoặc lây gián tiếp qua vật dụng như quần áo, chăn ga gối đệm giường chiếu. Tổn thương cơ bản:

- Mụn nước rải rác, vị trí đặc biệt ở kẽ tay, mặt trước cổ tay, phía trước nách, núm vú, quanh thắt lưng, kẽ mông, mặt trong đùi, lòng bàn chân ở trẻ nhỏ. Mụn nước to, chứa dịch trong, nằm trên nền da lành (như hạt ngọc

-Luống ghẻ: là đường hầm do con ghẻ đục vào trong da để đẻ trứng dài 3-15 mm, màu xám hoặc đen, chứa phân ghẻ, cuối luống phình to, lấy kim khêu bắt được cái ghẻ.

Bệnh nhân ngứa gãi nhiều nên xuất hiện vết xước, vẩy máu, vẩy mủ, mụn mủ dát thâm là những tổn thương thứ phát.

Có thể có các sẩn huyết thanh, sẩn phù do cơ thể phản ứng với độc tố của cái ghẻ

- Triệu chứng cơ năng: ngứa nhiều, nhất là về ban đêm, ngứa khắp cả người.

- Triệu chứng toàn thân: thường không có triệu chứng gì đặc biệt.

Cần chẩn đoán phân biệt ghẻ với các bệnh

- Sẩn ngứa do ký sinh trùng súc vật (chó, mèo, bò, ngựa, lạc đà). Bệnh xuất hiện ở công nhân chăn nuôi, thương tổn ở vùng da hở, chóng khỏi nếu không tái nhiễm, không lây sang người khác.

- Tổ đỉa: tổn thương là mụn nước nằm cạnh bên rìa ngón tay, ở mô cái, mô út và mụn nước nằm sâu, gắn chặt vào thượng bì.

- Săng giang mai: là trợt nông, nhưng không ngứa và thường kèm theo chùm hạch tương ứng với săng và săng có 8 tính chất đặc biệt. Có tiền sử quan hệ tình dục không an toàn.

Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng:

Tại chỗ: Chàm hóa: bên cạnh tổn thương ghẻ xuất hiện đám da đỏ trên có mụn nước nhỏ tập trung thành đám; Bội nhiễm: mụn nước biến thành mụn mủ, có thể viêm tấy lan rộng.

Toàn thân: có thể gây viêm cầu thận do nhiễm bởi độc tố ghẻ hoặc liên cầu khuẩn (nhưng ít gặp).

Cái ghẻ qua kính hiển vi - Ảnh BVCC

Cái ghẻ qua kính hiển vi - Ảnh BVCC

Ghẻ vẩy hay ghẻ Nauy: Gặp ở những người già, người suy giảm miễn dịch, một số bệnh thần kinh tâm thần gây rối loạn cảm giác, bệnh Down. Có thêm hiện tượng dày sừng màu xám bẩn ở toàn thân, kể cả ở vùng da đầu. Cạo bỏ lớp sừng thấy phía dưới nhiều mụn nước, dát đỏ. Soi kính hiển vi thấy có cái ghẻ với số lượng rất lớn.

Điều trị: Nguyên tắc: điều trị cùng lúc cho cả tập thể bị bệnh như cả nhà, cả phòng. Giặt, phơi, nấu, là quần áo (là mặt trái), chăn đệm, màn, đồ dùng. Bệnh nhân cần tới khám các bác sĩ Da liễu để có được chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị thích hợp.

Các phương pháp điều trị: tùy thuộc vào mức độ bệnh, có thể sử dụng

- Thuốc bôi điều trị (lưu ý: cần có chỉ định của bác sĩ): permethrin 5%, DEP, lindane 1%, crotamiton 10%, ...

- Thuốc uống điều trị (lưu ý: cần có chỉ định của bác sĩ): ivermectin đường uống

- Các thuốc hỗ trợ khi cần (lưu ý: cần có chỉ định của bác sĩ): Kháng histamine, corticoid tại chỗ để giảm ngứa và nốt sẩn khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc diệt ghẻ.

Phòng bệnh:

- Giáo dục cộng đồng, giữ vệ sinh da, diệt nguồn ghẻ sinh sống, tắm, thay đồ hàng ngày, dọn sạch giường, giặt chăn màn.

- Giáo dục đối tượng có nguy cơ tránh tiếp xúc.

- Chẩn đoán sớm, điều trị đủ, thích hợp.

- Điều trị biến chứng, phòng tái phát.

Thúy Nga