Khám phá

Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi - kỳ 2: Kế hoãn binh của Ngô Thì Nhậm

  • Tác giả : Nguyễn Thành Hữu
(khoahocdoisong.vn) - Kế hoãn binh của Ngô Thì Nhậm đã giúp Ngô Văn Sở bảo toàn lực lượng trước sự tiến công ồ ạt và mạnh mẽ của quân nhà Thanh.

 "Sở và Lân đều là nanh vuốt của ta"

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” quyển 30, trước khi về lại Phú Xuân, trong buổi trao quyền, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã nói: Sở và Lân đều là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quan vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà uỷ thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa nhau. Điều này cho thấy tài năng của Ngô Văn Sở và sự tin cậy của cấp trên đối với ông.

Cuối năm 1788, vua Lê Chiêu Thống rước nhiều vạn quân Thanh do Tôn Sỹ Nghị chỉ huy vào xâm lược nước ta. Bấy giờ Ngô Văn Sở với cương vị là chủ soái ở Bắc Hà làm kế hoãn binh, sai người đến dinh họ Tôn cầu hoà, nhưng lời đề nghị bị bác khước.

Theo lời Bắc Bình vương Nguyễn Huệ dặn, Ngô Văn Sở bèn nhóm họp các tướng văn võ lại, luận bàn kế chống giữ. Nguyễn Văn Dụng đề nghị dùng phục binh đánh địch, còn Ngô Thì Nhậm thì nói: Quân địch mới tới, sức còn mạnh, khí đương hăng lại khoa trương thanh thế làm kinh động nhân tâm, nếu ta đem quân ra khỏi thành sẽ bị chúng sát hại.

Cựu binh sĩ của Bắc Hà nhuệ khí vốn đã nhụt sẽ thừa cơ trốn hết. Chừng ấy, chúng ta muốn đánh thì cũng không hơn, mà muốn giữ cũng không đặng. Chẳng phải là thượng sách. Chi bằng rút hết quân thuỷ bộ vào đóng giữ từ Tam Điệp đến biển để bảo toàn lực lượng rồi cho cáo cấp về Phú Xuân. Lúc đó ta quyết chiến cũng không muộn

Nghe Ngô Thì Nhậm bàn, Ngô Văn Sở nói: Giặc đến chưa đánh đã chạy, tôi e đắc tội với Bắc Bình Vương. Ngô Thì Nhậm đáp:  Lương tướng thời xưa lượng sức giặc trước rồi mới định việc công hay thủ. Nay ta đem toàn quân lui về. Chẳng qua là cho chúng ngủ nhờ một đêm, sáng ngày đuổi đi, có gì quan trọng. Nếu Bắc Bình vương hỏi tội, tôi sẽ bẩm biện, ông cứ yên tâm đi.

Kế hoãn binh của Ngô Thì Nhậm

Sau khi bàn bạc với các cộng sự, nghe theo kế hoãn binh của Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở bèn cho gọi binh các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn Tây về hội tại Bắc Thành trấn Sơn Nam, đồng tiến vào Tam Điệp để bảo toàn lực lượng rồi cử Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân cấp báo Nguyễn Huệ.

Ngày 25/11 năm Mậu Thân (21/12/1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và  ngay sau khi làm lễ đăng quang tại Núi Bân - Phú Xuân, nhà vua trực tiếp mang đại quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược.

Khi đại binh của Quang Trung đến Tam Điệp, Ngô Văn Sở ra chịu tội. Quang Trung biết là mưu của Ngô Thì Nhậm bèn nói: Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng dân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân được lệnh đem tiền quân tiến về Thăng Long.

Trong trận chiến với quân Thanh, Quang Trung chia binh lực ra làm 5 đạo. Đạo trung quân do Quang Trung thân hành chỉ huy, có Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hài Phan Văn Lân làm tướng tiên phong đánh vào hai vị trí tiền tiêu của địch là Hà Hồi và Ngọc Hồi. Đây là hướng tấn công chính quyết định toàn bộ cục diện chiến dịch.

Ngô Văn Sở có sáng kiến làm những cái “mông xung”, trong đựng cỏ rơm, cao 5 thước, dài 15 thước, hễ ra trận thì mang đi che đằng trước chống tên đạn. Trong trận công thành lần này, những cái “mông xung” mộc rơm ấy đã trở thành nổi tiếng không kém gì voi trận và hoả hổ làm khiếp đảm quân xâm lược.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu