Doanh nghiệp

Nghi vấn về màn hồi sinh của Bảo hiểm Viễn Đông

  • Tác giả : Thùy Linh - Thanh Mai
(khoahocdoisong.vn) - Sau nhiều năm thua lỗ, Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đã có màn hồi sinh ngoạn mục khi báo lãi từ năm 2017 đến nay - theo Báo cáo Tài chính của công ty.

VASS được thành lập từ tháng 11/2003 với quy mô vốn điều lệ 72 tỷ đồng. Trong 7 năm sau đó, song song với việc mở rộng mạng lưới, công ty tăng vốn nhiều lần và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 500 tỷ đồng như hiện nay.

Hiện Chủ tịch HĐQT công ty là bà Đỗ Thị Minh Đức được biết đến là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên ("Shark" Liên) - Chủ tịch Tập đoàn Aqua One và cũng là Chủ tịch của Công ty CP nước mặt sông Đuống. Bà Đức cũng đồng thời đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các công ty liên quan đến Tập đoàn Aqua One.

Số liệu nhảy múa

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, VASS gặp khá nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tính đến cuối năm 2016, lỗ luỹ kế của công ty ngấp nghé 900 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ lúc đó (300 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn là 646 tỷ đồng, bằng 2/5 nợ ngắn hạn (1.637 tỷ đồng) đe dọa khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Tình trạng lỗ nặng nề như vậy, nhưng đến năm 2017, Báo cáo Tài chính của công ty bất ngờ báo đã vượt qua khó khăn, với doanh thu tăng 82% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 249 tỷ đồng.

Đáng chú ý là màn chênh lệch số liệu giữa hai báo cáo năm 2016 – 2017. Theo đó, tài sản ngắn hạn của công ty đạt 645,6 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2016. Trong khi tại báo cáo năm 2017, thì tài sản ngắn hạn đầu kỳ (1/1/2017) lại là 694,8 tỷ đồng. Tương tự, tổng tài sản vào 31/12/2016 của công ty là 1053,1 tỷ đồng, thì số liệu đầu kỳ (1/1/2017) lại được “thổi” lên thành 1102,3 tỷ đồng.

Sang năm 2018, VASS tiếp tục kinh doanh khấm khá, nhưng so với năm 2017 đã sụt giảm mạnh. Cụ thể, kết thúc năm 2018, lợi nhuận sau thuế công ty đạt gần 104,8 tỷ đồng, giảm gần 2,5 lần so với năm 2017 (249,2 tỷ đồng) .

Kết thúc quý 2/2019, VASS ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.369,5 tỷ đồng. Các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm, chi phí dịch vụ mua ngoài (trong chi phí quản lý) luôn chiếm tỷ trọng cao trong chi phí bảo hiểm của VASS. Các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi so với 9 tháng năm 2018, đạt mức 290 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý 2/2019, công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 433 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với năm 2016. Hiện, nguồn vốn của VASS chủ yếu đến các khoản nợ phải trả, trong đó, khoản dự phòng nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 906,6 tỷ đồng.

Nhà số 19 Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM), diện tích 291,68m2, đã được VAS của lại với giá 380 tỷ đồng, bình quân 1,3 tỷ đồng/m2. Trong khi giá thị trường chưa tới 300triệu đồng/m2.

Nhà số 19 Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM), diện tích 291,68m2, đã được VAS của lại với giá 380 tỷ đồng, bình quân 1,3 tỷ đồng/m2. Trong khi giá thị trường chưa tới 300triệu đồng/m2.

Mối liên quan rắc rối và rủi ro

Được biết, trong những năm vừa qua, VASS đã bù đắp thiếu hụt tài chính bằng tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, thông qua phát hành 200 tỷ đồng cổ phần theo mệnh giá cho 6 nhà đầu tư.

6 nhà đầu tư này bao gồm Đỗ Minh Sơn, Tạ Bình Nguyên, Trương Ngô Sen, Vũ Thanh Nga, Hoàng Văn Thao, Đỗ Thị Kiều Trang. Cổ đông lớn nhất của VASS hiện vẫn là Bamboo Capital (mã: BCG) góp 260 tỷ đồng, tương đương 52% vốn cổ phần của VASS.

Khoản vốn nắm giữ của Bamboo Capital tại VASS là do thực hiện theo ủy thác của bà Đỗ Thị Minh Đức từ năm 2012. Trong khi đó, một số nhà đầu tư mua cổ phần VASS cũng là nhân sự cấp cao tại Công ty CP Bảo hiểm AAA – doanh nghiệp do "Shark" Liên, chị ruột bà Đỗ Thị Minh Đức - sáng lập.

Trong đó, bà Trương Ngô Sen, Phó Chủ tịch VASS – từng là Giám đốc pháp chế của Bảo hiểm AAA. Tổng Giám đốc VASS - ông Đặng Điệp Đại Khoa - cũng từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc phòng xe cơ giới, Giám đốc phát triển sản phẩm và định phí của Bảo hiểm AAA.

Hiện VASS cũng có khá nhiều giao dịch tài chính với các bên liên quan đến “Shark Liên”. Có thể kể đến hợp đồng cho Công ty CP Nước Aqua One vay hạn mức không quá 50 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 6%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Tính tới cuối quý 2/2019, VASS đã cho Công ty CP Nước Aqua One vay 32,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2019, VASS đã chi 380 tỷ đồng mua lại nhà số 19 Phùng Khắc Khoan (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM), diện tích 291,68m2, để làm trụ sở chính của VASS. Căn nhà này là mua lại của chính “Shark Liên”.  Chia bình quân, VASS đã mua nhà của “Shark Liên” với giá 1,3 tỷ đồng/m2. Trong khi giá đất thị trường tuyến phố này cùng thời điểm khoảng trên dưới 250 triệu đồng/m2.

VASS còn có khoản đầu tư tài chính vào Công ty CP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14. Tại công ty hoạt động trong lĩnh vực BOT này, bà Đỗ Thị Minh Đức là cổ đông chi phối với tỷ lệ nắm giữ lên tới 66% .

Cụ thể, VASS đã chi 195 tỷ đồng để mua lại 8 triệu cổ phần của Toàn Mỹ 14 với giá vốn 24.375 đồng/cp từ chính bà Minh Đức, ngay trong thời điểm doanh nghiệp khó khăn nhất. Hiện giá trị khoản đầu tư này chỉ còn ghi nhận 61 tỷ đồng. Khoản đầu tư này chưa được sang tên cho VASS, do Bộ Tài chính xác định là chưa phù hợp với quy định và phải thu hồi.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của VASS, Toàn Mỹ 14 hiện nay đang là một trong hai chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 14. Dự án đi vào hoạt động năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có báo cáo tài chính các năm 2016 - 2017, do vậy chưa thể đánh giá tính hiệu quả của khoản đầu tư.

Những dữ liệu liên quan đến hoạt động tài chính của VASS cho thấy, dù kinh doanh đã khởi sắc trong vài năm gần đây, nhưng việc dọn được khoản lỗ lũy kế hàng vài trăm tỷ đồng một cách thần tốc đã đặt ra nghi vấn đây chỉ là thao tác “làm sạch” trên giấy.

Thùy Linh - Thanh Mai