KINH TẾ

Nghi vấn thịt gà nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Trong khi giá gà lông trong nước phải từ 35.000 – 37.000đ khi xuất chuồng người nuôi mới có lãi, thì giá gà thịt nhập khẩu chỉ ở mức 19.800đ/kg.

Nhập bằng sản lượng nuôi

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu tới 215.700 tấn thịt gà các loại, kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại chủ yếu từ Hoa Kỳ, chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu, Brazil chiếm 13,1%, và Hàn Quốc chiếm 12,3%.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, gà nhập khẩu tập trung vào hai loại, thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà. Trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).

Cũng theo Tổng cục Hải quan, từ số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019 so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019, nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay.

Tuy nhiên, số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) công bố cho thấy, cũng thời gian này, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng trên 105.000 tấn thịt gà các loại – tức là chênh lệch tới 110.700 tấn so với số liệu của Tổng cục Hải quan.

Sự vênh số liệu này cho thấy đang có sự không thống nhất trong quản lý xuất nhập khẩu giữa cơ quan quản lý xuất nhập khẩu (hải quan), và cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm (Bộ NN&PTNT). Theo đó, về lý thuyết, Bộ NN&PTNT chỉ báo có 105.000 tấn thịt gà nhập khẩu, tức là kiểm tra được 105.000 tấn này. Còn 215.700 tấn thịt gà do cơ quan Hải quan công bố là dựa trên số nhập khẩu đã khai báo và thống kê được.

Độ chênh tới 110.700 tấn đặt ra nghi vấn về chuẩn mực và công tác cập nhật thông tin, số liệu giữa hai cơ quan quản lý. Trường hợp nếu cả hai số liệu đều... đúng, thì có nghĩa đang có 110.700 tấn thịt gà nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển cả nước mà chưa làm thủ tục nhập khẩu. Đó là giả thiết khó tin. Nhưng phần nào cho thấy nguy cơ lớn hơn. Là bằng cách nào đó, một quốc gia như Việt Nam, với đa số công dân là nông dân, phụ thuộc vào trồng cấy và chăn nuôi, lại phải đi nhập khẩu thịt gà - thứ gia cầm dễ nuôi, dễ tìm.  

Trong các năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta phát triển khá mạnh, tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 (chỉ riêng quý 3/2019 đã tăng 19,2% so với quý 4/2018).

Số liệu từ Bộ NN&PTNT tại “Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm” cho biết, trong 3 năm 2016 – 2018, cả nước chỉ sản xuất được 810.000 tấn thịt gà, bình quân mỗi năm chỉ khoảng hơn 270.000 tấn. Trong khi đó 9 tháng đầu năm 2019 đã nhập khẩu 215.700 tấn, khả năng sản lượng nhập khẩu thịt gà sẽ tương đương với sản lượng nuôi trong nước là đã nhìn thấy.

Vậy thì thịt gà nhập khẩu có gì "ưu việt", để có thể tăng nhập khẩu vào Việt Nam?

Giá trị sản phẩm

Với sản lượng nhập 215.700 tấn và kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng thịt gà về Việt Nam này là 862,3 USD/tấn, tương đương khoảng 20.523đ/kg. Giá này đã bao gồm chi phí con giống, nuôi, giết mổ, hao hụt, và các loại chi phí logistics như thu gom, đông lạnh bảo quản, đóng container, vận chuyển container… từ khu nuôi tại nước ngoài về cảng đích tại Việt Nam.

Hiện chi phí vận chuyển bình quân của 1 container lạnh 20 feet từ cảng New York (Mỹ) về cảng Hải Phòng vào khoảng 3.135 USD. Bao gồm giá cước, phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí kho hàng lẻ, phí cân bằng container... Bình quân, mỗi container 20 feet chứa khối lượng thịt gà đông lạnh khoảng 23 tấn, tương đương 37,49 USD/tấn, vị chi giá vận chuyển sẽ là hơn 0,13 USD/kg (khoảng 3.244đ/kg).

Đây là chi phí vận tải từ cảng xuất tới cảng đích, chưa bao gồm các chi phí logistics như thu gom, đông lạnh bảo quản, tập kết, đóng container, vận chuyển container, các loại thuế (nếu có)... tại nước xuất khẩu. Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu mặt hàng thịt gà cho biết, nếu tính trung bình, trong giá nhập khẩu mặt hàng thịt gà nhập về tới cảng tại Việt Nam, thì chi phí logistics đang chiếm khoảng 55 - 60% giá trị hàng hóa.

Như vậy, với mức giá nhập khẩu 20.523đ/kg, thì chi phí logistics sẽ chiếm khoảng 11.287 -  12.313đ/kg, tức là giá thịt gà xuất khẩu từ Mỹ về Việt Nam sẽ chỉ trong khoảng 9.236 - 8210đ/kg, đã bao gồm chi phí con giống, nuôi, chi phí giết mổ, hao hụt (1kg gà lông cho 0,7kg thịt), chi phí bảo ôn, thu gom, vận chuyển, lưu kho bãi, nâng hạ, thuế...

Giá gà nhập khẩu, do vậy, rất thiếu thuyết phục. Và làm nảy sinh nghi vấn về việc thịt gà ngoại đang được nhập khẩu và bán phá giá tại Việt Nam. Hiện, khảo giá thịt gà công nghiệp tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Thành Công, Tân Mai dao động từ  60.000 - 65.000đ/kg, đùi và cánh gà nhập khẩu giá dao động từ 90.000 - 100.000đ/kg. Tương tự tại một số siêu thị như Big C, Vinmart, Co.opMart... đùi gà công nghiệp chặt miếng 100.000đ/kg, đùi gà 115.000 - 120.000đ/kg. Tức là chênh lệch cực lớn với giá nhập khẩu, điều này cũng hàm nghĩa nguy cơ nhà nhập khẩu đã khai báo giá thấp để trốn thuế.

Gà nhập khẩu với sản lượng rất lớn và giá rẻ tới phi lý đang là nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi gà trong nước lao đao, khi giá thành chăn nuôi đang cao hơn các nước phát triển. Giá gà lông nuôi công nghiệp trong nước đang ở mức 22.000 - 25.000đ/kg mà vẫn đang lỗ (giá hòa vốn phải trên 35.000đ/kg với gà công nghiệp, 54.000 - 56.000đ/kg với gà giống ta). 

Thực tế là, ngay trong khi ngành chăn nuôi lợn đang khủng hoảng thiếu vì dịch bệnh, người nuôi gà trong nước vẫn đang khốn đốn vì không cạnh tranh nổi với giá gà nhập khẩu. Lợi nhuận cực lớn từ kinh doanh thịt gà, do thế, tiếp tục vào túi các nhà nhập khẩu, thay vì tới người nuôi. 

Bộ Công Thương cho biết luôn theo dõi sát tình hình giá tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt các loại nhập khẩu, kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường về giá hoặc lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, thịt gà nhập khẩu với giá rẻ mạt và sản lượng lớn tăng đều qua hàng năm đã đẩy người chăn nuôi trong nước vào thế khó lại cho thấy thực tế khác. Đó là sự phối hợp giữa ngành công thương và ngành NN&PTNT chưa hiệu quả và không bảo vệ được thị trường trong nước, dẫn tới gây thiệt hại cho người nuôi. 

Cho đến nay, chưa thấy Bộ chủ quản nào trả lời chính xác với câu hỏi, có hay không việc thịt gà ngoại đang được bán phá giá tại Việt Nam?

Quốc Trọng