Vấn đề - Sự kiện

Nghi vấn Mai Linh WILLER dùng xe trung chuyển không phép, giá vé cao

  • Tác giả : Hiểu Lam
Công ty TNHH Mai Linh WILLER (liên doanh giữa Tập đoàn Mai Linh và Tập đoàn WILLER) bị cho là có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách như dùng xe trung chuyển không phép, thu giá vé cao hơn quy định.

Thời gian qua, Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được phản ánh từ người dân và một số doanh nghiệp vận tải tuyến cố định về Công ty TNHH Mai Linh WILLER (được thành lập bởi Tập đoàn Mai Linh và Tập đoàn WILLER - doanh nghiệp Nhật Bản) hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa.

“Biến” taxi cũ làm xe trung chuyển trái phép?

Theo phản ánh, Công ty TNHH Mai Linh WILLER sử dụng loạt xe taxi cũ 7 chỗ, biển số TP HCM, tháo mào, gỡ phù hiệu, nhưng vẫn để thương hiệu Mai Linh với màu xanh truyền thống cùng dòng chữ in to trên thân xe "Mai Linh WILLER" để thu gom, đón trả khách lẻ phục vụ cho xe chạy tuyến cố định Hà Nội và Thanh Hóa. Bề ngoài những chiếc xe này có nhận diện giống taxi Mai Linh nhưng Mai Linh WILLER sử dụng làm xe trung chuyển phục vụ cho xe tuyến cố định, xe hợp đồng của mình.

Để xác minh những phản ánh về hành vi có dấu hiệu trái quy định trong ngành kinh doanh vận tải hành khách của Công ty TNHH Mai Linh WILLER, PV đã trải nghiệm dịch vụ với vai trò hành khách.

Xe có nhận diện giống taxi của Tập đoàn Mai Linh nhưng không có mào, phù hiệu taxi, được Mai Linh WILLER dùng làm xe trung chuyển nhưng chưa được cấp phù hiệu "Xe trung chuyển". Đồng hồ km, máy in hóa đơn vẫn được gắn trong xe.

Xe có nhận diện giống taxi của Tập đoàn Mai Linh nhưng không có mào, phù hiệu taxi, được Mai Linh WILLER dùng làm xe trung chuyển nhưng chưa được cấp phù hiệu "Xe trung chuyển". Đồng hồ km, máy in hóa đơn vẫn được gắn trong xe.

Ngày 2/8, PV liên hệ với nhân viên tổng đài Mai Linh WILLER qua số điện thoại 03640777xx để tìm hiểu về lịch trình hoạt động xe tuyến cố định của công ty. Nữ nhân viên tổng đài cho biết, từ Hà Nội, xe sẽ xuất phát ở bến Nước Ngầm trong khung từ 7h đến 19h hàng ngày và trả khách tại tỉnh Thanh Hóa theo nhu cầu điểm đến của từng người. Giá vé được tính theo vị trí ghế ngồi.

“Ghế B1 (bên phải tài xế - PV) có giá 230 nghìn đồng. Ghế A1, A2 (hàng ghế giữa) 250 nghìn đồng. Anh muốn ngồi ghế nào?”, nữ nhân viên tổng đài Mai Linh WILLER báo giá và xác nhận đặt vé thành công tại vị trí ghế A1 cho PV.

Sau cuộc gọi, đoạn tin nhắn SMS của Mai Linh WILLER được gửi về máy của khách với nội dung thông báo mã đặt vé, thời gian xuất bến và hướng dẫn thanh toán tiền vé khi lên xe hoặc có thể chuyển khoản.

Khoảng 7h30 ngày 3/8, nam tài xế Mai Linh WILLER gọi điện cho PV hẹn đến cổng trường Đại học Thương mại trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để đón ra bến xe Nước Ngầm. Ô tô 7 chỗ BKS 51F - 180.66 màu xanh truyền thống của Tập đoàn Mai Linh đã tháo mào taxi, trên cửa xe ghi rõ dòng chữ “Mai Linh WILLER - Xe khách Thanh Hóa - Hà Nội” nhanh chóng đón khách lên xe.

“Đây là xe trung chuyển”, tài xế giới thiệu và cho biết sẽ đón một hành khách nữa trên đường Phạm Hùng rồi chạy thẳng về bến Nước Ngầm cho kịp giờ xuất bến.​

Sau khi gom thêm một khách trên đường Phạm Hùng, nam tài xế đạp ga phóng về bến xe Nước Ngầm. Đúng 9h5, chiếc xe vào trong bến và khẩn trương đưa khách sang xe Limousine 9 chỗ BKS 36F - 000.86 đã nổ máy chờ sẵn.

Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Nội, Mai Linh WILLER đang sử dụng 4 xe 7 chỗ gồm các xe BKS: 51F - 180.66, 51F - 356.22, 51F - 356.48, 51F - 204.39 làm xe trung chuyển. Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, xác nhận các xe có biển số trên chưa được cấp phù hiệu "Xe trung chuyển".

Ông Lại Văn Sang, Giám đốc Công ty Mai Linh WILLER chi nhánh Thanh Hóa, thừa nhận: "Xe đón khách là xe của công ty, dán chữ 'xe trung chuyển' để đưa khách về bến xe Nước Ngầm. Phù hiệu xe này không phải là phù hiệu xe trung chuyển do Sở Giao thông Vận tải cấp".

Trong khi đó, khoản 5, điều 4, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định rõ: Ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “Xe trung chuyển” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe”.

Thu tiền của khách đi xe trung chuyển

Sau khi xếp 5 khách ngồi vào đúng vị trí ghế đã đặt và thu tiền từ 230 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/ghế nhưng không phát vé, đúng 9h10, tài xế điều khiển xe Limousine BKS 36F - 000.86 rời bến Nước Ngầm, chạy về Thanh Hóa. Theo phương án khai thác trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty Mai Linh WILLER ngày 8/11/2022, doanh nghiệp này không có nốt (giờ) hoạt động tại bến xe Nước Ngầm trong khung giờ 9h10.

Khoảng 11h10, xe đi đến cầu Hoàng Long, rẽ trái vào đường ven sông Mã rồi chạy vào đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa. Thay vì chạy về bến xe phía Tây trả khách theo lộ trình tuyến cố định, tài xế dừng xe giữa đường, nơi có sẵn chiếc Limousine 9 chỗ mang BKS 50LD - 101.71 đang chờ. Tại đây, hai tài xế thực hiện thủ tục “sang khách” đối với 4 người, trong đó có PV.

Thay vì chạy theo lộ trình tuyến cố định về bến xe phía Tây Thanh Hóa trả khách, chiếc xe Mai Linh WILLER "sang khách" dọc đường để trả khách theo từng điểm đặt.

Thay vì chạy theo lộ trình tuyến cố định về bến xe phía Tây Thanh Hóa trả khách, chiếc xe Mai Linh WILLER "sang khách" dọc đường để trả khách theo từng điểm đặt.

Theo đề nghị được nhận vé sau khi kết thúc hành trình, tài xế xe BKS 50LD - 101.71 đưa khách vào trụ sở văn phòng của Mai Linh WILLER tại số 298 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa để lấy vé. Tại đây, nữ nhân viên đưa vé lượt bến xe phía Tây Thanh Hóa - bến xe Nước Ngầm Hà Nội gồm 2 liên (liên giao cho khách và liên kiểm soát) số 0020226 nhưng để trống giá vé, họ tên, số ghế, ngày giờ khởi hành. Khi PV thắc mắc, nữ nhân viên liền cầm bút ghi giá vé 250 nghìn đồng, số ghế A1, khởi hành lúc 9h ngày 3/8/2023.

“Giá vé ghế trên xe khác nhau. Ghế đầu và cuối có giá 230 nghìn đồng, ghế giữa là 250 nghìn đồng. Nếu anh đi từ bến xe, giá vé 210 nghìn đồng nhưng anh đi xe trung chuyển thì giá 250 nghìn đồng. Nếu không đi sẽ được trừ 40 nghìn đồng” - nữ nhân viên lý giải về giá vé.

Theo tìm hiểu của PV, giá vé niêm yết tại bến tuyến cố định bến xe Nước Ngầm - bến xe phía Tây Thanh Hóa của Mai Linh WILLER là 200 nghìn đồng/ghế.

Phản hồi về việc xe Limousine BKS 36F - 000.86 xuất bến lúc 9h10, trong khi không có nốt (giờ) hoạt động, đại diện bến xe Nước Ngầm cung cấp cho PV văn bản không có số, đề ngày 3/8/2023, của Công ty Mai Linh WILLER. Văn bản này nêu: "Trong thời gian ngày 3/8/2023, xe 36F - 000.86 có lịch đón đoàn công tác của công ty từ Thanh Hóa ra Hà Nội và từ Hà Nội về Thanh Hóa nên chúng tôi xin xuất bến lúc 9h50 về 9h00 và buổi chiều 16h50 về 19h00".

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc Công ty Mai Linh WILLER xin xuất bến lúc 9h00 (thực tế ghi nhận 9h10) cũng không nằm trong nốt được chấp thuận hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, vị này nói: "Vì tạo điều kiện" (!?).

Khi hỏi về giá vé thu của mỗi hành khách từ 230 đến 250 nghìn đồng, ông Lại Văn Sang, Giám đốc Công ty Mai Linh WILLER chi nhánh Thanh Hóa, cho hay: "Đây là giá vé nếu hành khách có nhu cầu đón, trả tận nơi. Còn khách đi từ bến chỉ có 190 nghìn đồng".

Theo ông Sang, giá niêm yết xe tuyến cố định của hãng từ 170 đến 200 nghìn đồng từ 2 đầu bến. Còn tiền phát sinh thêm khách sử dụng xe trung chuyển để đón trả tận nơi.

Nhân viên Mai Linh WILLER viết và đưa vé xe cho hành khách tại văn phòng Thanh Hóa.

Nhân viên Mai Linh WILLER viết và đưa vé xe cho hành khách tại văn phòng Thanh Hóa.

Theo luật sư Nguyễn Minh Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Nghị định 10/2020/NĐ-CP giải thích rõ về vận tải trung chuyển hành khách. Theo đó, vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.

Do đó, khách đi xe trung chuyển là hoạt động vận tải mà doanh nghiệp không được thu thêm tiền. Như vậy, việc nhà xe thu thêm tiền của khách khi đi xe trung chuyển là không đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, nếu sử dụng xe chưa được cấp phù hiệu “Xe trung chuyển” để gom, trung chuyển khách mà còn thu tiền thì đã vi phạm Luật Giao thông Đường bộ.

Luật sư Nguyễn Minh Hưng cũng thông tin, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu công ty để lái xe thu tiền vé của khách hàng cao hơn quy định, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 12 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 đến 3 tháng và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi không thực hiện đúng nội dung đã niêm yết về giá vé.

Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hiểu Lam