KINH TẾ

Nghị định 126 đang ép doanh nghiệp phải... chế lợi nhuận?

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Cộng đồng doanh nghiệp có nhiều băn khoăn do những bất cập đến vô lý được quy định tại Điều 8 của nghị định này.

Tư duy “đếm cua trong lỗ”

Tại Điểm b, Khoản 6, Điều 8 của Nghị định 126 có quy định về việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.

Dễ thấy, để thực hiện được quy định này, một doanh nghiệp phải ước tính được chính xác doanh thu của quý 4 cũng như lợi nhuận trước thuế cả năm tài chính. Nếu như không ước tính được chính xác con số lợi nhuận trước thuế của cả năm, doanh nghiệp khó có thể tạm nộp thuế TNDN đủ 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp dự kiến số thuế TNDN phải nộp trong năm là 100 tỷ đồng. Như vậy, hết quý 3, doanh nghiệp đó sẽ phải nộp 75 tỷ đồng. Nếu chỉ nộp 50 tỷ đồng, doanh nghiệp đó sẽ có nguy cơ bị phạt vì số thuế nộp không khớp với tỷ lệ 75% theo nghị định đã quy định. Khi đó, mức phạt tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế được nộp dần là  0,03%/ngày.

Để tránh bị phạt, doanh nghiệp phải tự nâng mức thuế TNDN dự kiến của năm tài chính lên cao hơn kế hoạch đầu năm. Trường hợp này, doanh thu cũng như lợi nhuận trong năm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều. Nói cách khác, quy định của nghị định đã ép doanh nghiệp phải "điều chế" lợi nhuận nếu không muốn chịu phạt.

Trao đổi với KH&ĐS, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên BASICO, kiêm Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, tư duy nộp trước thuế TNDN, dù bao nhiêu phần trăm là hoàn toàn vô lý. Không giống như thuế GTGT lúc nào phát sinh thì nộp (nộp hộ). Hoặc thuế nhập khẩu, khi nào doanh nghiệp, người mua muốn nhập thì nộp thuế. Với thuế TNDN, doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới phải nộp thuế. Muốn biết được doanh nghiệp kinh doanh có lãi hay lỗ, phải chờ hết năm tài chính mới biết chính xác được.

Quy định trên “ép” doanh nghiệp phải đưa ra trước một con số lãi của năm, con số phần trăm cụ thể và buộc phải kinh doanh có lãi trong 3 tháng cuối năm. Vấn đề đặt ra, nếu sang quý 4, doanh nghiệp lãi lớn, vượt quá mức dự kiến, như vậy doanh nghiệp sẽ vi phạm Nghị định, phải nộp phạt. Ngược lại, trường hợp kinh doanh trong quý 4 thua lỗ, dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do phải “ứng trước” số tiền thuế từ quý 3. Muốn hoàn thuế, doanh nghiệp phải chờ đợi, và thủ tục rất nhiều nhiêu khê, nan giải.

“Doanh nghiệp làm sao biết trước được lãi lời trong tương lai ra sao. Họ làm sao tính chính xác được 75% thuế TNDN cả năm. Tư duy áp đặt mức nộp trước này không khác gì việc “đếm cua trong lỗ”, giống với tư duy từ thời bao cấp: Nhà nước định mức doanh thu, sản lượng cho doanh nghiệp phải theo, áp đặt phải lãi bao nhiêu, sản xuất bao nhiêu thì phải tiêu thụ hết từng ấy. Cho nên về nguyên tắc, quy định này là sai từ gốc. Quy định của Luật cũ cũng đã sai rồi, Nghị định mới càng sai thêm, sai chồng chất sai khi đưa ra con số áp đặt quá lớn và kèm theo chế tài xử phạt bất hợp lý”, LS Trương Thanh Đức nhận định.

Không được hỗ trợ lại còn bị tận thu

Đại dịch Covid-19 đã tác động tới nhiều lĩnh vực kinh tế. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt ở trong nước, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn đang tiếp tục ngấm sâu dần vào từng tế bào của nền kinh tế. Trong đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Việt Nam là một điểm sáng về kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục gia tăng nhanh. Theo Bộ KH&ĐT, ước tính số doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2020 là 46.592, tăng 62,2% so với năm 2019. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế trong năm 2020 đạt 17.464 doanh nghiệp, tăng 3,7% so với năm 2019.

Một loạt những gói hỗ trợ kinh tế lần một đều bị nghẽn, không thực thi được đến tay người dân cũng như doanh nghiệp khó khăn. Trong khi đó, gói hỗ trợ kinh tế thứ hai, cho đến nay vẫn còn đang dang dở trên bàn nghiên cứu của các Bộ, ngành.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, “Tại thời điểm này chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được khi nào có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào. Đến thời điểm chín muồi, chúng tôi hoàn tất nghiên cứu, chuẩn bị thì sẽ thông tin”.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, cuối năm mặt hàng nào cũng lên giá, từ xăng dầu cho tới chi phí nhân công cũng tăng, chưa kể vừa rồi một số nguyên liệu thiết yếu cho một số ngành mũi nhọn cũng bị tăng giá mạnh. Có khoản tăng tới 25% so với tháng 10 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì lỡ ký hợp đồng giá thấp. Nhưng thuế năm trước và thuế quý vẫn phải nộp đúng hạn, không là bị phạt lãi chậm nộp. Bao nhiêu thứ đổ lên đầu doanh nghiệp, mặc dù đã rất cố gắng gồng gánh để duy trì, hy vọng kinh tế phục hồi.

“Chúng tôi vẫn trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực này. Nhưng kết quả hầu như không có. Nay thêm Nghị định 126 với quy định tạm nộp thuế phi lý như giáng đòn mạnh vào doanh nghiệp chúng tôi”, Giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ và vừa than thở.

Trước những phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, mới đây, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay ngân sách Nhà nước còn thiếu hụt, thu ngân sách khó khăn nên mong doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước.

Không đồng tình với ý kiến trên của ông Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chỉ có thể kỳ vọng vào sự chia sẻ của Nhà nước. Không thể bắt doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước bằng cách “tận thu”, ứng trước tiền thuế dù lỗ hay lãi.

"Nhiều cơ quan, Bộ, ngành đang cố gắng chạy đua để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Như thế là làm hại doanh nghiệp, làm hại nền kinh tế. Theo tôi, nên sửa đổi một số điều trong Nghị định 126 cũng như Luật quản lý thuế số 38 để phù hợp với nguyên tắc và tránh làm tổn thương thêm cho doanh nghiệp", LS Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Tuấn Thủy