Khám phá

Ngày Tết với những món ăn trường sinh

  • Tác giả : TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng,
(khoahocdoisong.vn) - Bậc thánh nhân đời thượng cổ đã răn dạy: “Người dưới biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo thời tiết, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được”.

Người có tỳ vị hư yếu, ăn kém, ngủ kém

Bài thuốc Lục vị cáp điểu: Bồ câu non vừa đủ lông (Đông y gọi là cáp điểu), làm sạch lông, mổ bụng bỏ ruột, phổi, chỉ lấy tim, gan, mề. Bồ câu vị mặn, tính bình có tác dụng ích khí, hòa tinh, kiện bổ tỳ vị, hầm với các vị thuốc Bắc:

Bạch biển đậu (20g), tính ôn vị ngọt, có tác dụng bổ tỳ vị, hóa thấp giải độc rượu. Bạch truật (16g) vị ngọt hơi đắng, tính ôn, có tác dụng tiêu thực bổ tỳ vị, ích khí giúp cho tiêu hóa tốt. Ý dĩ (20g) vị ngọt có tác dụng bổ tỳ vị, bổ phổi trừ thấp làm cho tiêu hóa nhanh. Đại táo (10 quả) vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí dưỡng tỳ điều hòa tỳ vị. Liên nhục (hạt sen 20g) vị ngọt tính bình có tác dụng bổ tim, tỳ, thận trị chứng mất ngủ, di tinh.  Đậu xanh (lục đậu 16g) vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ vị, tim, gan, giải độc trong tỳ vị giúp cho tỳ vị mạnh lên.

Gạo nếp Đông y gọi là Đạo mễ (20g) có vị ngọt, tính ấm thơm có tác dụng bổ tỳ vị làm cho tỳ vị mạnh lên để tiêu hóa thức ăn nhanh chóng, ích thận khí để tăng cường khí lực. Gia vị: Hạt tiêu 21 hạt giúp ôn tỳ kiện vị, gừng tươi 3 lát để phối hợp với đại táo điều hòa các vị thuốc.

Tổng của bài thuốc có tác dụng ôn bổ tỳ vị làm cho tỳ vị mạnh lên tiêu hóa thức ăn nhanh, ăn ngon, ngủ tốt, điều hòa bồi bổ các phủ tạng trong cơ thể. Tất cả bỏ vào nồi đất mới,  cho thêm ít rượu nếp và nước sạch ninh cách thủy cho chín nhừ. Ngày ăn một con, chia làm 2 lần sáng và tối. Mỗi tuần ăn hai lần, ăn liên tục trong sáu tháng. Bài thuốc thuộc cung đình pháp chế dùng cho vua chúa ngày xưa.

Người thận yếu

Bài thuốc  Tước điểu kỷ tử ẩm: Chim sẻ (tước điểu) 5 con cắt lấy tiết pha rượu uống. Làm sạch chim sẻ, bỏ ruột lấy phổi, tim, gan, thận (hai tinh hoàn). Chim sẻ vị ngọt, tính ấm, bổ thận tinh, bổ tủy, làm mạnh dương khí, ích khí cường dương, tốt cho người hay đau lưng mỏi gối, dương sự kém, xuất tinh sớm. Kỷ tử (30g) vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ thận, gan phổi, sinh tinh dịch và tinh trùng, làm sáng mắt, cường dương. Sâm cao ly (20g) vị ngọt tính ôn có tác dụng đại bổ nguyên khí, tăng cường sinh lực, làm việc dẻo dai, lưu thông khí huyết, làm đẹp da. Hồ đào nhục (quả óc chó 20g) vị ngọt, tính ấm bổ thận, gan, phổi, ôn bổ hạ tiêu, giúp thận thu nạp được nhiều tinh khí, đối với người sinh hoạt tình dục nhiều bị hao tổn tinh khí. Thục địa (30g) vị ngọt, tính ôn, bổ tim, gan, thận, trị chứng âm hư huyết suy, đại bổ tinh huyết. Long nhãn (20g) vị ngọt tính bình bổ gan, bổ huyết an thần làm giấc ngủ say, phối hợp với thục địa để sinh tinh huyết. Hắc đậu (đậu đen) bốn mươi chín hạt để dẫn thuốc vào thận và lục phủ ngũ tạng.

Bỏ tất cả vào nồi đất mới, cho nước sạch và 2g muối trắng, ninh cách thủy chín nhừ. Ngày ăn một lần vào buổi sáng thay ăn sáng, mỗi tuần ăn hai lần, mỗi năm ăn một tháng vào mùa xuân hoặc mùa thu có thể ăn nhiều năm để duy trì sinh lực và khí lực.

Người âm hư hỏa vượng, cơ thể suy nhược mỏi mệt

Bài thuốc Yến oa tứ vị thang: Yến sào đã chế sạch 20g. Các vị thuốc Tây dương sâm (sâm hoa kỳ 20g) vị ngọt tính mát có tác dụng bổ phổi, mát huyết sinh tân dịch, dưỡng tỳ vị, ăn ngon miệng ngủ trọn giấc. Liên nhục (hạt sen 30g) vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ tim, tỳ vị, thận, bổ âm hồi dương, dưỡng tâm an thần định chí. Long nhãn (16g) vị ngọt tính bình có tác dụng ích can (gan) bổ huyết, bổ tim, tỳ vị, an thần, trị chứng tim hồi hộp ngủ kém.

Cách chế: Tây dương sâm tán bột mịn, nấu chín hạt sen với long nhãn sau đó cho yến vào đun một lúc đổ ra bát cho bột sâm vào quấy đều để ấm, ngày ăn một lần trước khi ăn sáng, hoặc trước khi ăn tối, có thể ăn thường xuyên. 

Trị 5 chứng hư lao

Trong hơn một vạn bài thuốc của nền Đông y có hơn hai trăm bài nói về ăn uống để kéo dài tuổi thọ, dưới đây xin trích giới thiệu một số bài.

Bài thuốc Thư kê thất vị thang: Thịt gà mái tơ (thư kê nhục) 300-400g làm sạch lông bỏ hết phủ tạng. Thịt gà mái vị chua tính ôn, trị chứng phong, hàn, thấp tích lại trong cơ thể. Đông trùng hạ thảo (12g) vị ngọt tính ôn bổ tinh tủy, trị các chứng hư lao, sau khi ốm sức khỏe sút kém, liệt dương, di tinh. Hoài sơn (củ mài 50g) vị ngọt tính bình có tác dụng ích thận bổ hư, trị chứng tỳ vị hư yếu giúp ăn ngon tăng cường thể lực. Bạch thược (30g) có tác dụng thanh can hỏa, liễm âm khí bổ gan. Ý dĩ  (30g) vị ngọt tính hàn có tác dụng bổ tỳ phế tăng cường thể lực. Hạt sen (liên nhục 30g) vị ngọt tính bình, bổ tâm an thần, cố tinh hồi dương. Hồng táo 30g (bỏ hạt) vị ngọt tính bình có tác dụng bổ tỳ hòa vị, bổ thận điều hòa chức năng của gan, điều hòa tác dụng của các vị thuốc đối với cơ thể.

Toàn bộ bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng năm tạng của cơ thể, tăng cường khí huyết, giải độc, làm mạnh gân cốt, trư hàn thấp. Cho tất cả các vị thuốc vào bụng gà may kín lại, cho vào nồi đất mới, hấp cách thủy khoảng hai canh giờ chia hai lần ăn trong ngày.  Mỗi tuần ăn hai lần, ăn nhiều tháng trong năm.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng,