Công nghệ mới

“Ngậm trái đắng” vì… ứng dụng hẹn hò

  • Tác giả : Tuấn Huy
Các ứng dụng hẹn hò ngày càng phổ biến, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, đây là “cạm bẫy” để đối tượng xấu lừa tình, chiếm đoạt tài sản..

Thời đại kỷ nguyên số, mọi việc trở nên dễ dàng thông qua các thiết bị điện tử và chuyện hẹn hò cũng không ngoại lệ. Thay vì trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu khá mất thời gian thì mỗi người chỉ cần tạo cho mình một profile (tiểu sử) thật ấn tượng kèm theo các bức ảnh lung linh đã có thể bắt đầu hẹn hò qua mạng, những rắc rối cũng bắt đầu xuất hiện từ đây.

Tiện lợi giao lưu, kết bạn nhưng... tiềm ẩn rủi ro

Thay vì phải trải qua quá trình dài tìm kiếm đối tượng phù hợp để xác lập mối quan hệ, giờ đây chỉ cần một cú "quẹt phải" là các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm được những người bạn mới. Đây là một trong những công dụng chủ lực, giúp cho các ứng dụng hẹn hò này hút khách.

Các ứng dụng hẹn hò phổ biến hiện nay là Tinder, Litmatch, Telegram, Facebook Dating... Khi tham gia các ứng dụng này, người dùng tự tạo phần giới thiệu, mô tả bản thân và không bị kiểm duyệt. Đồng thời, các ứng dụng này cũng không có bất cứ biện pháp nào bảo vệ người dùng khỏi những kẻ biến thái mà chỉ ưu tiên cung cấp những gói ưu đãi, người sử dụng chỉ cần đóng phí sẽ tìm được các đối tượng tiềm năng hơn để kết nối. Vì vậy sau những thao tác quẹt đó, vô vàn trường hợp éo le đã xảy ra.

Các ứng dụng hẹn hò phổ biến hiện nay là Tinder, Litmatch, Telegram, Facebook Dating...

Các ứng dụng hẹn hò phổ biến hiện nay là Tinder, Litmatch, Telegram, Facebook Dating...

Vụ việc nổi đình đám thời gian qua trên mạng xã hội đó là video chia sẻ cách kiếm tiền trên Tinder của một cô gái có tài khoản YouTube tên K. (28 tuổi). Đoạn video được đăng tải với tựa đề “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder”, K. chỉ ra tới 4 cách kiếm tiền trên ứng dụng Tinder như gặp ai cũng mượn 200.000 đồng để đi taxi rồi hứa sẽ chuyển khoản lại. Hay phạt 100.000 cho mỗi phút người được hẹn đến muộn, chủ động lì xì người ta trước với số tiền 20.000 đồng vì chắc chắn người ta sẽ lì xì lại hàng trăm nghìn đồng...

Cô dùng sự lươn lẹo của mình để tìm kiếm những cơ hội “đổi đời”, những món tiền giúp cô sống qua ngày. Đáng nói hơn, K. chia sẻ tất cả những điều đó với sự hả hê, thoải mái như một điều đáng tự hào.

Thực tế, có nhiều trường hợp các bạn trẻ khi sử dụng ứng dụng không may gặp phải “sở khanh” đều ít nhất một lần bị sàm sỡ, gạ gẫm “đi nhà nghỉ”, đòi hỏi mối quan hệ “tình - tiền” hay phải nhận những lời nói bình phẩm ngoại hình, quấy rối tình dục bằng ngôn từ.

Mới đây, Chị L.T.N (25 tuổi), ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ từng bị kẻ xấu quấy rối qua ứng dụng Litmatch. Chị N cho biết: “Tôi trò chuyện với một người đàn ông trên ứng dụng này được 6 tháng, ban đầu người này khá lịch sự nhưng sau đó liên tiếp dùng những lời lẽ không hay để gạ gẫm và quấy rối tôi. Người này tìm được thông tin Facebook, Zalo của tôi và tiếp tục nhắn tin làm phiền. Tôi phải dừng sử dụng mạng xã hội 2 tháng để tránh rắc rối”.

Một trường hợp khác là bạn Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã "match" (tương thích) với một anh trông sáng sủa cao to ưa nhìn, nói chuyện lịch sự. Tương tác được vài hôm thì anh hẹn gặp để đi ăn tối, nhưng khi gặp, thay vì đưa đi ăn lại chở thẳng đến nhà nghỉ. Mình đã phản ứng khá cứng rắn và từ chối thẳng thừng nên anh ấy đành phải chở mình về”.

Còn Phạm Thu Hằng (24 tuổi, Điện Biên) chia sẻ: “Mình có quen một anh đẹp trai trên ứng dụng Litmatch, trong buổi hẹn hò đầu tiên mình có đi ra ngoài để nghe điện thoại, sau đó khi quay lại thì anh ấy đã biến mất cùng với túi xách của mình. Rất may là trong túi chỉ có ít mỹ phẩm và số tiền mặt không lớn. Liên lạc với số điện thoại thì thuê bao và bị chặn cả facebook”.

Sử dụng ứng dụng hẹn hò hiện đại một cách thông minh

Ông Nguyễn Thế Chiêu, chuyên gia công nghệ, CEO Webbi.asia, cho biết, dù hầu hết các ứng dụng hẹn hò hiện nay đều có tính năng bảo mật và nhận dạng danh tính vô cùng chặt chẽ, tuy nhiên khi sử dụng mọi người vẫn nên tìm hiểu thật kỹ đối tượng trước khi tiến đến hẹn hò.

Không thể đánh đồng tất cả những người sử dụng ứng dụng hẹn hò đều có ý đồ không tốt. Trên thực tế, đã có nhiều đôi nên duyên khi tham gia các ứng dụng này. Qua đó ta thấy rằng ứng dụng hẹn hò không xấu, tất cả phụ thuộc vào mục đích người sử dụng, chúng ta có thể gặp người tốt nhưng cũng không thiếu kẻ xấu.

“Để việc hẹn hò qua ứng dụng công nghệ được sử dụng với mục đích đúng và an toàn, mỗi người cần đề cao cảnh giác, hãy tìm hiểu đối tượng thật kỹ rồi mới đi đến quyết định đồng ý gặp, không nên dễ dàng tin tưởng bất cứ ai. Đồng thời, cũng cần cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước những yêu cầu mà đối phương đưa ra để có thể đảm bảo an toàn tốt nhất cho bản thân. Nếu bạn gặp phải chuyện không hay, hãy báo với cơ quan chức năng, chính quyền để xử lý”, ông Chiêu nói..

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Sen - Công ty Luật TNHH Thành Đô Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - cho rằng, hành vi lừa đảo trên mạng internet hay qua các ứng dụng hẹn hò ngày càng phổ biến với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, khó nhận biết. Nạn nhân có thể tố giác hành vi lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Cụ thể, theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về lừa đảo hẹn hò online chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu thuộc các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều này được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

(1) Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản./.

Tuấn Huy