Trong y học cổ truyền, ngải cứu thường dùng chữa chứng ngoại cảm gió lạnh, ấm dạ dày, gân cơ đau mỏi, thông được khí lạnh ở gan, điều hòa huyết mạch, chữa phụ nữ băng trung đới hạ, thông huyết ứ đọng, kinh nguyệt bế tắc, giải được uế khí, tiêu tà khí ứ trệ. Ngải cứu làm ấm tử cung, tiêu tán các chất độc, hàn khí trong tử cung vì thế Đông y có nhiều bài thuốc có vị ngải cứu có tác dụng an thai, chữa đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều. Dưới đây là một số bài thuốc.
- Phụ nữ có thai ra huyết: Ngải cứu tươi 20g thái nhỏ hấp trứng gà ăn ngày 1 - 2 lần.
- Chữa tử cung lạnh gây vô sinh, hiếm muộn: Ngải cứu tươi, cật heo làm sạch bỏ gân trắng thêm gừng, hành gia vị hầm ăn tuần vài lần. Bài thuốc tốt cho phụ nữ chậm con, người hư nhược thấp trệ, đầy bụng ăn kém, lãnh cảm do tỳ thận hư hàn.
- Phụ nữ sau sinh mỡ tích bụng, người mệt mỏi: Ngải cứu, cá chép, hành, tỏi, gia vị hấp ăn.
- Chữa rong kinh băng huyết: Ngải cứu chưng huyết heo hoặc gan heo ăn.
- Phụ nữ sau sinh sản dịch lâu ngày không sạch: Ngải cứu hầm gà hoặc cá chép ăn tuần vài lần.
- Phụ nữ ra nhiều khí hư: Ngải cứu, gà ác, gia vị vừa đủ hầm ăn.
- Chữa chứng hay bị cảm lạnh: Lá ngải, thịt gà mái, gừng, hành gia vị vừa đủ hầm ăn tuần vài lần.
- Chữa chứng gặp lạnh tâm hồi hộp không yên: Ngải cứu 1 nắm vắt lấy nước cốt uống hoặc lá ngải tiềm tim heo ăn.
- Chữa phong thấp nhức mỏi: Thường đau mỏi vai lưng, người nặng nề, dùng lá ngải, chân dê, gia vị vừa đủ hầm ăn.
Ngải cứu có vị ấm, thấm thấp, không dùng nhiều với người âm hư, nội nhiệt. Phụ nữ có thai người nóng nhiệt, táo bón không dùng hoặc dùng ít.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)