Sẵn sàng đóng phí để vân chuyển rác thải
Trong các bãi rác thải điện tử tự phát hiện nay, xã Cẩm Xá (Mỹ Hào, Hưng Yên) được mệnh danh là Thủ phủ rác thải điện tử. Chỉ trong một xã nhỏ này, đã có có trên 100 hộ làm nghề thu mua, tái chế rác thải điện tử, cung cấp việc làm cho hàng trăm lao động.
Tại đây, rác thải điện tử được rã ra và tận thu những chi tiết điện tử có thể tái sử dụng như nhựa, kim loại, các bo mạch điện tử… Tùy theo mục đích sử dụng, người dân sẽ phân loại ra và chuyển tiếp đến các làng nghề tái chế khác tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng hoặc cũng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Nghề” tái chế rác thải điện tử tại xã Cẩm Xá ban đầu chỉ là nghề tay trái trong lúc nông nhàn. Nhưng sau đó, lợi nhuận từ “nghề” này lại trở thành thu nhập chính của gia đình, và không ít người dân tại xã Cẩm Xá đã “phất” lên nhờ nghề này.
Tuy đã có thâm niên trong nghề, nhưng ông Đinh Văn Vỹ vẫn phân loại rác điện tử thủ công, gần như trực tiếp bằng tay. Quá trình này có thể khiến các hóa chất độc hại trong rác thải điện tử thấm trực tiếp vào người, gây ra các bệnh về da, hô hấp, thậm chí ung thư.
Ông Vỹ cho biết, đối với phần rác không thể tận thu được, người dân mang ra bãi rác để vứt. Đến nay, tại xã Cẩm Xá có riêng một bãi rác thải điện tử rộng hàng ngàn m2, phần lớn rác thải điện tử ở đây đều trong tình trạng bị đốt cháy, các làn khói từ việc đốt rác này luôn bay luẩn quẩn trong không khí.
Trong khi đó, chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết, dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra, những hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và thần kinh…
Ông Vỹ thừa nhận việc vứt và đốt rác này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các hộ dân làm nghề tận thu rác thải trong xã cũng hi vọng chính quyền có một điểm tập kết để đưa rác thải đến nơi quy định và sẵn sàng đóng phí để có cách vận chuyển rác thải điện tử sau khi phân loại đến những nơi xử lý tốt hơn.
Tuy nhiên, hi vọng của ông Vỹ khá xa xôi, vì đến nay Việt Nam vẫn chưa có một quy trình chuẩn nào cho việc thu gom, xử lý hay tái chế loại rác thải này. Do đó, rất khó có thể có nơi nào sẵn sàng tiếp nhận rác điện tử sau khi đã phân loại.
Rác thải điện tử tăng nhanh gấp 3 rác thải khác
Thống kê cho thấy, rác thải điện tử là dòng rác có tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Ước tính đến hết năm 2020, riêng Hà Nội sẽ phải thải bỏ tới 161.000 chiếc tivi, 97.000 PC, 178.000 tủ lạnh, 136.000 máy giặt và 97.000 điều hòa nhiệt độ. Còn tại TPHCM, ước tính sẽ có 700.000 tivi, 290.000 PC, 424.000 tủ lạnh, 339.000 máy giặt và 330.000 chiếc điều hòa bị thải bỏ.
Trung bình, lượng rác thải điện tử phát sinh hiện nay ước đạt từ 170 – 305 tấn/ngày. Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ có 3/15 cơ sở tái chế rác thải rác thải điện tử được cấp phép có đầy đủ trang thiết bị, công nghệ để tái chế, nhưng quy mô chỉ mới được 25 – 30 tấn/ngày. Do đó, đã đến lúc nhìn nhận ô nhiễm rác thải điện tử như một vấn đề đáng báo động ở nước ta
Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ có quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP có nêu rõ về trách nhiệm của các bên liên quan trong thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, sản phẩm nhựa.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, các chính sách về thu gom, xử lý rác thải điện tử hiện chủ yếu vẫn nằm trên giấy và chưa thực hiện được bao nhiêu. Ông Tùng cho rằng, bên cạnh chính sách đồng bộ, cần có người theo dõi sát sao việc thực thi chính sách để sớm có điều chỉnh phù với thực tế.
Đấy là chưa kể, việc kiểm soát lại rác thải điện tử cũng đặt ra câu hỏi cho cơ quan quản lý về sinh kế cho người dân. Bởi ít nhất, như hộ gia đình ông Vỹ vấn lấy nghề tái chế rác thải làm kế sinh nhai.
Rác thải điện tử rõ ràng không phải là chất thải mới. Hệ quả của nó cũng đã được ghi nhận tại nhiều làng nghề tái chế. Tuy nhiên, nếu cấm các làng nghề này, thì rác thải điện tử sẽ đi về đâu?