Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La vừa phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tổ chức Hội nghị tổng kết dự án: “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Văn phòng UNDP/GEF/SGP Việt Nam; ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; bà Phạm Thị Hà - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La, Trưởng ban Điều hành dự án, đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị tổng kết dự án “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án Ban điều hành, nhóm chuyên gia và cán bộ hiện trường dự án đã phối hợp chính quyền địa phương triển khai 58 hoạt động gồm: Tổ chức 2 hội thảo, hỗ trợ tổ chức 1 lễ hội, phục dựng 1 lễ cúng, 33 lớp tập huấn, 21 cuộc họp tại 4 xã Ngọc Chiến, Long Hẹ, Suối Bàng, Mường Sang.
Dự án đã đào tạo, nâng cao năng lực cho những bên liên quan với 1.215 người, trong đó 28% là nữ; xây dựng 36 bộ quy chế tại các bản thí điểm xây dựng bộ quy ước quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng cho quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân.
Qua đó, các cộng đồng sử dụng hiệu quả hơn 4,7 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, nhận được của 4 xã vùng dự án cho công tác quản lý bảo vệ rừng, xây dựng công trình phúc lợi, nâng cao đời sống người dân.
Hỗ trợ cải thiện 6 mô hình phát triển sinh kế gồm: 4 nhóm tiết kiệm tự quản (tại Bản Lùn, bản Sò Lườn của xã Mường Sang và bản Nậm Nghiệp, bản Phày thuộc xã Ngọc Chiến); 1 mô hình chuyển đổi số (Hợp tác xã Chà Mạy, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu); 1 mô hình du lịch suối khoáng nóng (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La).
Hỗ trợ cấp ủy, chính quyền xã, bản tổ chức 1 nghi lễ tín ngưỡng tại xã Ngọc Chiến; xây dựng phương án bảo tồn khu di tích lịch sử hang mộ Tạng Mè tại Suối Bàng; xây dựng được mạng lưới học hỏi/chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bảo vệ rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
PGS.TS Trịnh Văn Tùng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đánh giá độc lập, báo cáo tại hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Trịnh Văn Tùng nhận định, đây là dự án có khối lượng công việc đồ sộ, được triển khai trên địa bàn rất rộng. Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, đặc biệt là lợi ích mà người dân được thụ hưởng.
Dự án đã cho thấy sự đồng thuận và vào cuộc tích cực, chủ động của người dân vùng dự án và các bên liên quan. Dự án tiếp tục tác động lâu dài đến nhận thức của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá gắn với bảo vệ rừng, phát triển sinh kế bền vững tại địa phương.
Nói cách khác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống chính là bảo tồn và phát huy sự khác biệt, đa dạng về văn hóa dân tộc, đặc biệt của các dân tộc thiểu số trong và ngoài vùng dự án.
"Chính quyền địa phương coi người dân là chủ thể chính trong việc bảo vệ rừng, phát triển sinh kế gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây là những cơ sở rất quan trọng để chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân nhiều hơn bằng cách khơi dậy tiềm năng, tiềm lực của người dân nói chung và cộng đồng nói riêng", ông Tùng nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền đánh giá cao kết quả dự án đạt được.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được của dự án. Bà Huyền đề nghị Ban điều hành tiếp tục phối hợp cấp uỷ, chính quyền các địa phương, triển khai nhân rộng kết quả, đặc biệt là Quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng và mô hình quỹ tiết kiệm tự quản; đề xuất ý tưởng triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo để kịp thời đề xuất với Hội đồng Quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu thời gian tới.
Nhân dịp này, Ban Điều hành dự án tặng Giấy khen cho 9 cá nhân đã tích cực tham gia các hoạt động của dự án.