Khoa học & Công nghệ

Năm 2021: 1,4 triệu người thất nghiệp, tăng 203.700 người so với năm trước

  • Tác giả : Thúy Hằng
Đó là nội dung chính của cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý 4/2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước.

Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị 7 triệu đồng/tháng, lao động khu vực nông thôn 5 triệu đồng/tháng.

So với năm 2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức độ tăng thu nhập dương ổn định, với mức thu nhập bình quân đạt 3,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,1%.

Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,4 triệu đồng/tháng, giảm 3%. Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực dịch vụ đạt 6,8 triệu đồng/tháng, giảm 0,4%.

Mức thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương năm 2021 đạt khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45.000 đồng/tháng so với năm 2020.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791.600 người so với năm trước. Trong đó số lao động có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020.

Liên quan đến thị trường lao động, theo Tổng cục Thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020.

Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254.200 người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800.800 người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37.300 người so với năm trước.

Riêng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tiếp tục cải thiện, tăng tiến trong giai đoạn 2016-2020. HDI năm 2016 đạt mức 0,682 và tăng lên 0,706 năm 2020 tức là từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới.

Các chỉ số thành phần cũng có bước cải thiện đáng kể, đơn cử như Chỉ số sức khỏe tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,826 năm 2020; Chỉ số giáo dục tăng tương ứng từ 0,618 lên 0,640 và Chỉ số thu nhập tăng tương ứng từ 0,624 lên 0,664.

Nhìn chung, HDI Việt Nam có tăng nhưng vẫn tăng chậm và hiện xếp thứ 7/11 quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Thúy Hằng