Theo báo cáo kết quả kinh doanh, Công ty đã nộp ngân sách nhà nước đạt 9.811 tỷ đồng. Gần cuối năm 2019, BSR đã quyết định điều chỉnh lợi nhuận trước thuế về mức 1.238 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm còn 1.165 tỷ đồng và đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chấp thuận. PVN cho biết việc điều chỉnh này giúp BSR thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Trước đó, kế hoạch kinh doanh ban đầu của BSR đặt chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất 97.979 tỷ và lãi hợp nhất 2.939 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ dự kiến tổng doanh thu 97.783 tỷ và lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng.
Theo BSR, hiện mỏ Bạch Hổ và các mỏ nội địa khác đang dần cạn kiệt, giá dầu trong nước có xu hướng tăng mạnh hơn dầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. Sau 11 tháng của năm 2019, Công ty đã sản xuất đạt 6,4 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt 92.848 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 8.701 tỷ đồng, nhà máy Dung Quất hoạt động ổn định ở 107% công suất.
Ngày 29/11, PVN đã ký kết hợp đồng với Công ty SOCAR Trading về việc nhập khẩu 5 triệu thùng dầu thô từ Azerbaijan cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng tổng số nhập khẩu dầu thô trong nửa đầu năm sau của BSR lên 11,6 triệu thùng dầu thô (1,58 triệu tấn dầu thô), tương đương 24% sản lượng công suất của Công ty. Giới phân tích cho rằng việc nhập khẩu từ Azerbaijan sẽ có lợi cả về mặt tài chính và hoạt động của BSR.
Mới đây tàu GT EQUALITY của Công ty BB Energy (Singapore) đã cập cảng Dung Quất và nhận 6.000 tấn dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) từ BSR. Đây là chuyến xuất bán dầu MFO đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Sản phẩm dầu FO của BSR có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 0,5% rất phù hợp để sản xuất MFO 0,5%S. Sản phẩm dầu FO của BSR có sản lượng sản xuất khoảng 192.000 tấn/năm. Việc sản xuất bán dầu MFO theo tiêu chuẩn IMO 2020 sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm FO.